chia sẻ:

Những thủ thuật SEO giúp trang web của bạn tăng lưu lượng truy cập

Cập nhật 30.03.2018 | Sale & Marketing

Có thể hiểu đơn giản là tối ưu hóa nội dung cho các công cụ tìm kiếm cũng chính là tối ưu nội dung cho người đọc: Nội dung bài viết càng chất lượng thì thứ hạng trang web của bạn trên trang tìm kiếm của Google càng cao.
Những thủ thuật SEO giúp trang web của bạn tăng lưu lượng truy cập

Tuy nhiều mánh “SEO mũ đen” có thể khiến nội dung của bạn bị phạt trong dài hạn, nhưng điều này không có nghĩa rằng các marketer nên bỏ lơ hay không tìm hiểu thuật toán của các công cụ tìm kiếm nhằm đưa những nội dung tốt được tối ưu.

Những khám phá mới về cách Google kết hợp các chỉ số của người dùng để xếp hạng nội dung chất lượng có thể giúp bạn tạo ra được những nội dung tốt và đo lường chính xác hơn các chỉ số KPI. KPI sẽ là thước đo giúp bạn xây dựng những nội dung đánh đúng vào nhu cầu của người đọc, trong khi đó vẫn bám sát đúng thuật toán của Google đề ra.

Tin tốt cho những người luôn quan tâm tới thị hiếu của độc giả, là họ sẽ dễ dàng đạt được KPI mới, và đưa được nội dung của bạn xếp hạng cao hơn, tiếp cận được nhiều đối tượng hơn trong khi tốn ít nỗ lực hơn.

Dưới đây là những chỉ số mà Google dùng để xác định thứ hạng trang, cùng với đó là các bước bạn có thể áp dụng để tối ưu hóa nội dung chất lượng của bạn và giúp đưa nó tiếp cận đến đúng đối tượng khán giả.

NHỮNG CHỈ SỐ NÀO CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN XẾP HẠNG CỦA NỘI DUNG?

Nếu bạn hỏi trực tiếp Google những chỉ số người dùng nào có thể ảnh hưởng đến thứ hạng trang, bạn sẽ không có được câu trả lời đâu. Nhưng cố tìm hiểu sâu một chút bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn.

Nhân viên của Google, bao gồm cả giám đốc chất lượng tìm kiếm và một thành viên trong nhóm quản lý chất lượng tìm kiếm, đã tuyên bố công khai rằng các chỉ số của người dùng có ảnh hưởng rất lớn đến thứ hạng trang. Rất nhiều bằng sáng chế  của Google đều đề cập đến hành vi của người dùng như một yếu tố để xếp hạng. Google thậm chí còn có một nguyên tắc dành riêng cho việc thay đổi xếp hạng tìm kiếm dựa trên phản hồi của người dùng, cụ thể như sau:

Phản ứng của người dùng đối với các kết quả tìm kiếm cụ thể hoặc danh sách kết quả tìm kiếm đều được đo lường, vì thế mà các kết quả được người dùng nhấp vào thường xuyên sẽ nhận được thứ hạng cao hơn.

Nhưng đó không phải là tất cả. Nhiều thử nghiệm cho thấy rằng các chỉ số người dùng có ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng (như trong thử nghiệm có sức thuyết phục này, Moz’s Rand Fishkin đã huy động được những người theo dõi Twitter của mình bấm vào 1 liên kết để tạm thời tăng xếp hạng trang đó trên Google).

Từ các phân tích trên, chúng tôi có thể xác định rằng Google đánh giá và xếp hạng nội dung của bạn dựa trên ba chỉ số chính:

1. Click-through rate (CTR) - Tỷ lệ nhấp chuột. Là tần suất mà người dùng nhấp vào 1 danh sách tìm kiếm nào đó trên số lần nó xuất hiện.

2. Dwell time - Thời gian dừng. Là khoảng thời gian mà người dùng dành ra để đọc trang web của bạn trước khi họ quay lại trang tìm kiếm.

3. Pogo - sticking - Tương tác người dùng. Là tần suất mà người dùng nhấp vào các kết quả tìm kiếm 1 cách liên tục (có lẽ là do những kết quả tìm kiếm được click vào vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của người dùng).

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy hiệu suất tốt trong tỉ lệ nhấp chuột và thời gian dừng của một trang cũng ảnh hưởng đến thứ hạng các trang khác trong website của bạn.

ĐIỀU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI CÁC MARKETER

Bây giờ khi bạn đã hiểu được những chỉ số người dùng mà Google sử dụng để xác định thứ hạng rồi, bạn có thể tối ưu hóa nội dung của mình phù hợp với các chỉ số đó, cho phép thứ hạng trang của bạn tăng lên 1 cách tự nhiên

Còn giờ hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về cách chúng ta có thể cải thiện với từng chỉ số này.

CÁCH ĐỂ CÓ NHIỀU LƯỢT CLICK CHUỘT HƠN

Hãy làm theo quy trình ba bước này để đánh giá những thứ hoạt động có hiệu quả trên trang web của bạn, rồi cải tiến nó để đạt được thứ hạng cao hơn nữa, thu hút nhiều lượt nhấp chuột hơn.

1. Xác định các trang có tỷ lệ nhấp chuột thấp

Đầu tiên, hãy tập trung vào các trang cần thay đổi nhất. Bạn có thể nhanh chóng tìm ra các trang có CTR thấp bằng cách đăng nhập vào tài khoản Google Webmaster Tools và điều hướng đến báo cáo Search Analytics để có thông tin về số lần nhấp chuột, số lần hiển thị, CTR và xếp hạng vị trí của bạn.

Tỉ lệ CTR của một trang web chịu ảnh hưởng nhiều bởi xếp hạng kết quả trên công cụ tìm kiếm hiện tại và các yếu tố truy vấn khác (ví dụ như các truy vấn được gắn nhãn và không gán nhãn). Theo một nghiên cứu của Chitika - một mạng lưới quảng cáo trực tuyến - trung bình, bạn có thể có ít nhất 30% nhấp chuột cho vị trí số 1 ở kết quả tìm kiếm, 15% cho vị trí số 2 và 10% cho vị trí thứ 3.

Bạn hãy chọn tất cả những trang ở vị trí số 1 và tạo một danh sách các trang có tỉ lệ CTR dưới 30%.

2. Cải thiện tiêu đề và phần mô tả bài viết

Các kết quả tìm kiếm của Google được hiển thị với một đoạn trích bao gồm tiêu đề, URL và mô tả. Bạn nên tập trung vào các yếu tố này để tăng số lần nhấp chuột vào trang.

Trước tiên, đảm bảo thẻ tiêu đề và thẻ mô tả của bạn đáp ứng đúng các yêu cầu kỹ thuật, nếu không chúng sẽ bị cắt bớt hoặc hiển thị không chính xác. Google hiển thị khoảng 65 ký tự trong thẻ tiêu đề vì vậy hãy đảm bảo rằng các từ khoá chính được bao gồm trong đó. Phần mô tả nên viết ít hơn hoặc bằng 160 ký tự để có thể hiển thị toàn bộ.

Hãy xem xét lại cách viết tiêu đề của bạn để thu hút và đúng trọng tâm hơn, thay vì định hướng SEO. Nếu tiêu đề của bạn chứa các từ khóa được tìm kiếm nhiều, hãy viết thêm vài dòng mô tả chi tiết nhằm thu hút nhiều người tìm kiếm nhấp chuột vào trang hơn.

Sử dụng cùng một nguyên tắc trong việc viết mô tả để thu hút sự chú ý của người tìm kiếm và kích thích sự tò mò từ họ.

3. Viết đoạn trích dẫn chi tiết

Theo mặc định, Google chỉ hiển thị tiêu đề, URL và phần mô tả trong danh sách tìm kiếm, trừ khi các đoạn trích dẫn phong phú được thêm vào.

Các đoạn trích dẫn là một cách để truyền đạt tất cả thông tin chi tiết đến Google, bao gồm:

Sản phẩm - giá cả, tính sẵn có, đánh giá xếp hạng

Công thức nấu ăn - thời gian chuẩn bị, thông tin dinh dưỡng, v.v.

Đánh giá - đánh giá sản phẩm hoặc doanh nghiệp

Sự kiện - ngày, giờ, địa điểm

Các phầm mềm ứng dụng - URL, đánh giá xếp hạng, giá cả

Google có thể chọn hiển thị đoạn trích dẫn chi tiết đó trong phần kết quả tìm kiếm. Việc thêm đoạn trích dẫn dễ dàng như thêm một chút mã để đánh dấu dữ liệu. Bạn có thể sử dụng  Structured Data Testing Tool của Google để xem đoạn trích dẫn của bạn sẽ xuất hiện như thế nào trong phần kết quả tìm kiếm. 

TĂNG THỜI GIAN DỪNG TRÊN TRANG

Cách thứ hai giúp bạn tăng thứ hạng tìm kiếm của mình chính là giữ chân người dùng trên trang và ngăn cho họ không nhấp chuột vào những kết quả khác.

1. Tạo nội dung hấp dẫn

Tất nhiên, chất lượng nội dung luôn được ưu tiên hàng đầu. Hãy đảm bảo rằng nội dung bài viết của bạn đúng với tiêu đề, thực sự hấp dẫn và hữu ích cho người đọc.

Điều gì có thể giúp  nội dung trở nên hấp dẫn hơn?

Theo khảo sát của CMI - một công ty chuyên về nghiên cứu marketing - để thu hút người đọc, nội dung phải độc đáo và đáng tin cậy. Người đọc cần cảm thấy rằng họ thực sự có thể tin tưởng vào thông tin bạn cung cấp. Dựa vào những dữ liệu, phân tích và nguồn thông tin rõ ràng sẽ giúp bạn tăng độ tin cậy trong mắt người đọc. Nội dung cũng nên được viết một cách thật dễ hiểu, mạch lạc và chỉn chu.

2. Tối ưu hóa tốc độ và khả năng sử dụng

Nội dung hấp dẫn sẽ không thể kéo dài thời gian truy cập của người đọc nếu họ phải đợi tải trang quá lâu. Hãy đảm bảo tốc độ tải trang của bạn được tối ưu hóa, càng nhanh càng tốt. Bạn có thể sử dụng Công cụ PageSpeed của Google để giúp phân tích trang web và xem gợi ý các giải pháp giúp cải thiện tốc độ tải trang.

Ngoài ra, các yếu tố gây nhiễu loạn điều hướng, quảng cáo bất ngờ, và quảng cáo gián đoan sẽ khiến khách truy cập quay trở lại trang tìm kiếm. Nội dung hấp dẫn phải là những nội dung dễ sử dụng và chia sẻ.

3. Khuyến khích khách truy cập khám phá trang web của bạn

Một cách khác để tăng thời gian dừng là khuyến khích người dùng khám phá thêm trang web của bạn. Bạn có thể liên kết đến các nội dung khác liên quan trong trang web nhưng hãy đảm bảo rằng các điều hướng của mình vẫn trực quan và hợp lý.

Thêm mục "bài viết có liên quan" hoặc "sản phẩm có liên quan" ở cuối mỗi trang là một cách tuyệt vời để giữ người đọc ở lại trang web của bạn lâu hơn, đồng thời cho phép họ tìm kiếm và xem thêm thêm những nội dung họ cần.

Ngoài ra, hãy kiểm tra định kỳ trang web của bạn để đảm bảo rằng không có các liên kết bị hỏng và khắc phục chúng một cách nhanh chóng vì đây có thể sẽ là nguyên nhân khiến khách truy cập rời bỏ website của bạn.

4. Khiến trang lỗi 404 của bạn trở nên hữu ích

Trang lỗi 404 khiến người truy cập không thể vào trang web, khiến họ phải quay trở lại và thử một trang web khác.

Bạn không thể ngăn chặn tất cả các lỗi, nhưng bạn chắc chắn có thể giảm bớt hậu quả bằng cách khiến chúng trở nên hữu ích hơn.

Ví dụ, hãy sử dụng tính hài hước của bạn để khiến cho người truy cập đỡ thất vọng và cảm thấy vui vẻ hơn, như CMI đã làm trên trang lỗi của chính họ:

Hãy đặt một hộp tìm kiếm và các đường link đến những nội dung phổ biến để giữ khách truy cập ở lại trang web của bạn. Ngay cả khi họ không tìm thấy trang gốc, những nội dung tương tự cũng có thể thu hút sự quan tâm của họ.

KẾT LUẬN

Bằng cách thu hút người tìm kiếm nhấp chuột vào trang web của bạn từ những kết quả tìm kiếm trên Google và giữ chân họ ở lại, bạn có thể tăng xếp hạng trang trên công cụ tìm kiếm. Càng nhiều phản hồi tích cực  sẽ càng có nhiều độc giả cho nội dung của bạn.

SEO và content marketing có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: Bạn có thể tối ưu hóa cho các công cụ tìm kiếm bằng cách tối ưu hóa trải nghiệm của người đọc - đó là những gì Google luôn nhắm đến dù thuật toán trong tương lại có thay đổi như thế nào.

>> Xem thêm:

Black Hat SEO và White Hat SEO: Lựa chọn của bạn là gì?

Cẩm nang SEO website du lịch 2024

Nguồn: Saga.vn