chia sẻ:

Chuyển đổi số là gì? Sự khác biệt giữa Số hóa và Chuyển đổi số

22.03.2021 | Chuyển đổi số

Sau khủng hoảng Covid-19, các doanh nghiệp du lịch đã bắt đầu nhận thức được rằng bộ máy vận hành và phương pháp kinh doanh dịch vụ đang dần già nua, khiến cho những giải pháp tối ưu quy trình kinh doanh, điều hành, kế toán và quản lý trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Chuyển đổi số là gì? Sự khác biệt giữa Số hóa và Chuyển đổi số

“Số hóa”“Chuyển đổi số” là hai từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong bối cảnh hiện tại, khi mà các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là Lữ hành đều đang tìm kiếm một sự cải tổ sau những tổn thương mà giãn cách xã hội, dịch bệnh đã gây ra trong suốt thời gian vừa qua.

Vì được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau và thậm chí đôi khi còn được dùng thay thế cho nhau, Số hóa và Chuyển đổi số thường hay bị nhầm lẫn, gây ra nhiều phiền phức và tâm lý hoang mang cho Doanh nghiệp. Do đó, việc phân biệt phân biệt rõ ràng 2 khái niệm này có thể giúp các doanh nghiệp du lịch có một quyết định chính xác hơn, tốt hơn trước khi đầu tư vào bất kỳ công nghệ số nào.

Sohoaachuyendoisodulich

Số hóa là gì?

Bản thân khái niệm Số hóa rất dễ bị nhầm lẫn bởi Số hóa tồn tại dưới hai hình thức, đó là Số hóa dữ liệu (Digitization) và Số hóa quy trình (Digitalization). Cụ thể hơn:

|| Số hóa dữ liệu là hình thức chuyển đổi thông tin từ dạng vật lý hay analog sang định dạng kỹ thuật số.

Ví dụ: Anh A tổng hợp tất cả thông tin liên quan tới khách hàng (thông tin liên hệ, lịch sử tương tác,, lịch sử giao dịch, đặc điểm của khách hay các ghi chú khác) từ SMS, Zalo, Messenger, Viber,... vào một File Excel lên phần mềm quản trị doanh nghiệp.

|| Số hóa quy trình là việc sử dụng các dữ liệu đã được chuyển sang định dạng kỹ thuật số để cải thiện quy trình vận hành và kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ: Anh A tổng hợp tất cả thông tin liên quan tới khách hàng (thông tin liên hệ, lịch sử tương tác,, lịch sử giao dịch, đặc điểm của khách hay các ghi chú khác) từ SMS, Zalo, Messenger, Viber,... vào một File Excel lên phần mềm quản trị doanh nghiệp. Sau đó, anh ấy tạo 1 Booking của khách hàng này và Chuyển thực hiện để Điều hành có thể thấy và tiếp tục xử lý quy trình điều hành dịch vụ. 

Điểm khác biệt giữa hai hình thức Số hóa có thể được nhìn thấy rõ ở 2 ví dụ trên. Anh A đều đã thực hiện “Số hóa” nhưng ở mức độ phức tạp dần. Có thể nói:

Số hóa dữ liệu là bước đệm hướng tới Số hóa quy trình.

Cũng có thể nhận thấy rằng, quy trình vận hành của công ty anh A từ việc phải chuyển phát những tài liệu vật lý, nay đã trở nên nhanh hơn, bớt cồng kềnh hơn nhờ sức mạnh của Số hóa. 

Chuyển đổi số là gì?

|| Chuyển đổi số là việc triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người để tái cấu trúc cách thức hoạt động, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới cho doanh nghiệp.

Ví dụ: Công ty Lữ hành của anh A triển khai một hệ thống quản lý quy trình (TMS). Dữ liệu thuộc nghiệp vụ của tất cả các phòng Sản phẩm, Kinh doanh, Điều hành, Kế toán được lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây giúp quy trình của công ty nhanh gọn hơn. Để việc vận hành được đảm bảo, anh A còn tiến hành đào tạo giải pháp cho các nhân viên của mình, đồng thời thay đổi quy trình vận hành cho phù hợp với giải pháp trên. Công ty anh A giờ đây đã cắt giảm được hơn 31% chi phí vận hành và 46% thời gian làm việc. Những tài nguyên này được anh A dùng để tập trung phát triển sản phẩm mới, thị trường mới hoặc kết nối với 1 số giải pháp khác nhằm tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp của mình.

Sự khác biệt giữa Số hóa và Chuyển đổi số

Điểm chung của Số hóa và Chuyển đổi số ở khía cạnh áp dụng công nghệ nhằm cải thiện quy trình vận hành của doanh nghiệp du lịch. Những công nghệ được áp dụng có thể đơn giản từ việc tải tệp lên trang nội bộ của công ty đến phức tạp như Internet Vạn Vật (IOT), Học máy (Machine learning) hay phân tích Dữ liệu lớn (Big Data analysis)... 

Số hóa và Chuyển đổi số khác nhau ở yếu tố con người và giá trị bền vững. Khác với Số hóa, Chuyển đổi số không đơn giản chỉ đòi hỏi doanh nghiệp áp dụng thật nhiều công nghệ tiên tiến vào quy trình vận hành.

Đầu tiên, bản thân quy trình làm việc và toàn bộ đội ngũ nhân lực từ bậc lãnh đạo đến các cấp nhân viên phải được "cải tạo" lại để trở nên linh hoạt hơn, thành thục về công nghệ hơn. Theo McKinsey, 4 trong 5 phẩm chất của những doanh nghiệp Chuyển đổi số thành công nằm ở yếu tố con người: chủ trương lãnh đạo, bồi dưỡng năng lực, động viên nhân viên, giao tiếp trong doanh nghiệp và cuối cùng mới là nâng cấp công nghệ.

Thứ hai, Chuyển đổi số là một nỗ lực cần được lên kế hoạch chi tiết và cần rất nhiều thời gian để thực hiện (3-5 năm). Không như Số hóa, Chuyển đổi số không thể hoàn thiện chỉ trong một dự án đơn lẻ. Do vậy, có thể nói một lộ trình Chuyển đổi số sẽ bao gồm nhiều dự án Số hóa hay nhiều giai đoạn Số hóa nhỏ. Ngoài ra, tính bền vững của Chuyển đổi số còn thể hiện ở nhiều yếu tố khác như việc tích hợp các công nghệ với nhau và việc đáp ứng nhu cầu cũng như sự kỳ vọng của khách hàng. 

Nếu coi Số hóa dữ liệu và Số hóa quy trình là bước thứ nhất và thứ hai. Chuyển đổi số sẽ là bước thứ ba trong công cuộc bứt phá của doanh nghiệp trong nền kinh tế 4.0.

So-hoa-du-lieu-va-chuyen-doi-so-du-lich

Số hóa và Chuyển đổi số trong Du lịch

Dưới sự bùng nổ của xu hướng Internet Vạn Vật (Internet of things), 2.5 triệu tỷ byte dữ liệu đang được sinh ra mỗi ngày. Trong đó, những dữ liệu về lịch sử tra cứu, truy cập mạng, hay lịch sử mua hàng và thanh toán của người tiêu dùng là một trong những nguồn sản sinh lớn nhất của biển dữ liệu này. Theo diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), tổng giá trị cơ hội từ những nguồn thông tin trên có thể lên đến 900 tỷ đô la [4].

Song song với cơ hội trong kỷ nguyên bùng nổ của xu hướng Internet Vạn Vật (Internet of things) là những áp lực không nhỏ cả về công nghệ lẫn nghiệp vụ lên các doanh nghiệp Du lịch - Lữ hành. 

Lượng dữ liệu lớn chưa từng có đang làm quá tải những quy trình thủ công hay nền tảng công nghệ đã dần lỗi thời. Thêm vào đó, nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch cũng đang đặt một gánh nặng khác về nghiệp vụ. Khi mà 24h không còn được coi là “nhanh”, khách hàng muốn nhận được báo giá “ngay lập tức”.

Dưới áp lực của thị trường đang trong giai đoạn “bị bó hẹp” và sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt ngày nay, sự linh hoạt trong vận hành và những công nghệ tiên tiến, khép kín có thể tạo ra những lợi thế chiến lược trước đối thủ. Từ đó, doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu của khách hàng và kiểm soát chất lượng dịch vụ cung cấp trong thời gian thực.

Để thúc đẩy quá trình Chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp du lịch đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng một phần mềm riêng cho mình hoặc sử dụng kết hợp nhiều nền tảng rời rạc để đạt được một số lợi ích tức thì. Tuy nhiên, những phương án này sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian để hoàn thiện. Việc di dời hay kết nối các giải pháp rời rạc thành một nền tảng mới khi vừa phải đảm bảo việc vận hành sẽ khiến doanh nghiệp rất dễ bị tụt hậu so với các đối thủ.

Tạm kết

Số hóa và Chuyển đổi số nói chung sẽ luôn là một hành trình đầy gian nan và đòi hỏi nhiều nỗ lực của toàn bộ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp Lữ hành cần phải phân biệt rõ ràng hai định nghĩa Số hóa và Chuyển đổi số để có một tầm nhìn và quyết định chính xác nhất.

>>> Bức tranh Chuyển đổi số Ngành Du lịch

>>> 10 Lý do khiến Doanh nghiệp Du lịch Chuyển đổi số thất bại