chia sẻ:

Xu hướng du lịch trực tuyến đang bùng nổ tại Việt Nam

Cập nhật 28.06.2019 | Tin tức

Không ngoài dự đoán, Ngày Du lịch trực tuyến 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 26.6 đã trở thành diễn đàn mở, mà ở đó các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, các nhà quản lý, cơ quan tham mưu các địa phương đã thể hiện rõ quan điểm, tâm tư, lo lắng và đề xuất các giải pháp thiết thực trước sự bùng nổ của du lịch trực tuyến.
Xu hướng du lịch trực tuyến đang bùng nổ tại Việt Nam

Thế hệ khách du lịch kết nối

Sự kiện này do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức với chủ đề “Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến” và dự kiến sẽ được tổ chức thường kỳ 2 năm/ 1 lần.

Hơn 600 đại biểu trong cả một ngày làm việc đã thảo luận sôi nổi ở 4 chuyên đề: Sự bùng nổ du lịch trực tuyến; nắm bắt hành vi du khách online; các dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến; nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến. Qua các phiên thảo luận mới vỡ lẽ, có rất nhiều doanh nghiệp du lịch của Việt Nam còn ngu ngơ về công nghệ, không theo kịp với xu hướng thời đại và thậm chí có những người phải từ bỏ tình yêu với nghề du lịch vì không bám đuổi được cuộc cách mạng công nghệ.

ngay-doi-du-lich-truc-tuyen

Phát triển du lịch trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số chính là cơ hội tăng trưởng du lịch. Nền tảng kỹ thuật số giúp điểm đến cung cấp nhanh và nhiều thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, phát triển du lịch trực tuyến làm tăng GDP và việc làm. Du lịch trực tuyến còn tạo cơ hội để cho tất cả mọi người có thể tham gia, người làm ra dịch vụ có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và người sử dụng có thể tận dụng được các dịch vụ tốt hơn.

Báo cáo của Google và Temasek cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng. Tầng lớp khách lẻ (free and independent traveler- FIT) tăng mạnh cả inbound (đón khách nước ngoài) và outbound (đưa khách ra nước ngoài) tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho du lịch. Các mô hình kinh doanh và công nghệ tiên tiến được ứng dụng mạnh mẽ trong du lịch trực tuyến.

Tuy nhiên, quy mô thị trường du lịch của việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 4 về tốc độ tăng trưởng sau Indonesia, Thái Lan, Singapore và còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

Làm gì để không thua trên “sân nhà”?

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch… Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt. Qua các năm, tỉ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng khả quan. Khách hàng bây giờ chỉ cần thông qua một cú nhấp chuột là có thể đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour…

Phát triển rầm rộ như vậy, song trong lĩnh vực du lịch trực tuyến, các công ty du lịch Việt Nam vẫn ở thế yếu so với các công ty du lịch nước ngoài, cả về vốn và cả về công nghệ, “thua ngay trên sân nhà” - ông Vũ Thế Bình nhận định.

Theo thống kê hiện hai trang web Agoda và Booking đang chiếm đến 80% thị phần đặt phòng ở Việt Nam, đây cũng đều là hai thương hiệu có tiếng trên thế giới và được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao. Cụ thể, hiện Agoda có hơn 7.600 khách sạn đối tác ở Việt Nam, còn Booking cũng có hơn 6.000 khách sạn đối tác. Với nguồn vốn dồi dào, có lượng phòng dự trữ sẵn nên dù ở trong mùa cao điểm, trên hai website này phòng vẫn luôn có sẵn, đồng thời luôn có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại đi kèm. Không chỉ có Agoda và Booking, cuộc đấu giành thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tiếng tăm như Traveloka, Trivago, Expedia... Giá phòng tốt, nhiều khuyến mại và đặc biệt là phương thức thanh toán tiện lợi là cách các doanh nghiệp ngoại chinh phục khách hàng.

Tại thời điểm này, theo nhận định của nhiều chuyên gia du lịch thì chỉ có 30% người đi du lịch đặt tour còn lại có tới 70% khách du lịch theo kiểu tự túc nghĩa là họ tự đặt phòng, tự thanh toán phương tiện đi lại, đặt vé các khu giải trí… Xu hướng mới này buộc các công ty du lịch cũng phải thay đổi cách kinh doanh từ việc bán tour tại văn phòng hay phải đi đến tận nơi thì bây giờ sẽ thông qua các trang web.

Tại diễn đàn do các chuyên gia, các doanh nghiệp đang làm việc trong lĩnh vực du lịch tổ chức trong Ngày du lịch trực tuyến năm 2019 đã cùng nhau phân tích các vẫn đề được coi là xu hướng chung của du lịch trên toàn cầu.

Ngày du lịch trực tuyến 2019 là dịp để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này có được tầm nhìn khái quát về những tiềm năng của ngành tại Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ mới tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thông qua đó, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch mong mỏi: Có sự hợp tác mạnh mẽ giữa nhà nước và tư nhân, giữa doanh nghiệp với nhau, giữa các Hiệp hội chuyên ngành để tạo ra sản phẩm cho cộng đồng người Việt. Khi đó, doanh nghiệp chuyển đổi thì nhà nước cũng cần chuyển đổi và tăng cường sự chỉ đạo, định hướng, đầu tư, quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo ra hệ sinh thái kỹ thuật số đủ mạnh.

Nguồn: tổng hợp

 

 

Đăng ký ngay để cập nhật những thông tin mới nhất từ VietISO 

(*) là thông tin bắt buộc mà bạn phải nhập