chia sẻ:

"Sợi dây nhỏ" và tâm lý "ngại khó"

24.04.2015 | Sale & Marketing

Bạn thì vẫn là bạn, nhưng hoàn cảnh đã khiến các bạn không còn thấy sợ hãi, không còn cho rằng việc đó quá sức của mình. Thay vì than vãn, hãy dám sống hết mình và bạn sẽ làm được.

"Sợi dây nhỏ" và tâm lý "ngại khó"

Tuổi trẻ dĩ nhiên là tuổi đẹp nhất trong cuộc đời. Tôi chỉ muốn nói rằng, bạn hãy biết yêu lấy thời kỳ đầy nhựa sống này và hãy làm tất cả những gì bạn muốn, bằng cả trái tim và sức bật của tuổi trẻ.

Có một câu chuyện kể rằng khi đến thăm một công viên nọ, nhiều du khách đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một chú voi to bị "xích" vào một cái cọc tre… bé tí teo chỉ bởi một sợi dây thừng mỏng mảnh. Thay vì nghĩ kế thoát thân, chú "ngoan ngoãn" và cam chịu chấp nhận tình cảnh tù túng. Như hiểu các du khách đang nghĩ gì, vị quản tượng mới từ tốn giải thích: Khi con voi còn rất nhỏ, người ta đã buộc nó bằng sợi dây thừng bên gốc tre. Lúc đó, với con voi, sợi dây thừng kia rất chắc nên dù có vùng vẫy chú cũng không thể thoát ra nổi. Nhưng qua thời gian chú voi lớn dần và sợi dây không còn nghĩa lý gì trước sức mạnh của chú. Tuy nhiên, thay vì thử dứt đứt sợi dây, lúc nào chú voi cũng nghĩ mình vẫn còn yếu lắm.

Câu chuyện trên hy vọng có thể giúp cho các bạn nhiều điều. Nếu lúc nào các bạn cũng nghĩ mình còn nhỏ, nỗi sợ hãi và rào cản tâm lý giống như sợi dây thừng vô hình trói buộc thì bạn sẽ không bao giờ làm được việc gì cả.

Thầy giáo cũ của tôi, giảng viên tiếng Anh ở trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), kể: Mỗi khi lên lớp, thầy "ghét" nhất là nghe các sinh viên (SV) than "bài này khó lắm". Thường thì những sinh viên "sợ khó" không bao giờ có kết quả học tập tốt. Bí quyết dạy tiếng Anh của thầy, không phải nằm ở những kiến thức cao siêu, mà chính là thầy luôn làm cho SV cảm thấy "nói tiếng Anh thật dễ". Thầy giúp SV hiểu rằng, ngoại ngữ đơn giản chỉ là công cụ để diễn tả những điều ta muốn nói. Vậy thôi.

Sau mỗi kỳ tuyển sinh đại học, bạn hẳn thấy có nhiều thủ khoa xuất thân từ gia đình nghèo khó. Nếu theo suy nghĩ logic thì học sinh (HS) ở nông thôn khó mà giỏi bằng HS thành thị khi: Điều kiện sinh họat thiếu thốn, HS con nhà nghèo có khi phải thắp đèn dầu học bài. Tan trường lại tranh thủ ra đồng với bố mẹ thay vì chỉ việc "ăn và học", hết học chính khóa lại học thêm như HS con nhà khá giả. Vậy tại sao các bạn ấy học vẫn siêu? Một bạn thủ khoa chia sẻ: Bởi các bạn ấy coi  học là con đường duy nhất để thoát nghèo. Khi đó, họ chỉ còn biết dồn sức tiến lên không ngừng. Lòng quyết tâm đã giúp các bạn có sức mạnh.

Nhiều bạn trẻ còn bảo: Chúng tôi chưa phải là người lớn. Chúng tôi chỉ mới… đang  lớn thôi. Vì thế đừng đòi hỏi chúng tôi làm điều gì đó quá sức. Bạn gái trong câu chuyện dưới đây cũng từng nghĩ như các bạn. Hồi nhỏ, bạn gái đó muốn mình phải thay đổi được thế giới. Nhưng, qua thời gian, bạn đó thấy thế giới này quá ư rộng lớn so với sức lực của bạn ý. Thế là bạn ấp ủ mơ ước thay đổi đất nước mình. Một vài năm sau, bạn lại thấy đất nước vẫn rộng. Bạn gái đó đành hạ mục tiêu sẽ thay đổi gia đình của mình. Mong muốn của bạn vẫn không thành. Cuối cùng, bạn gái bắt tay thay đổi từ bản thân mình trước. Bạn ấy đã hiểu ra rằng, khi thay đổi bản thân, sẽ có cơ hội thay đổi gia đình, từ gia đình, sẽ góp phần thay đổi đất nước và biết đâu một ngày, bạn lại thay đổi được thế giới.

Trở lại với câu chuyện "sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời", tôi tin rằng, nếu biết rằng, ngày mai mình sẽ không còn sống nữa, chắc chắn không ai phung phí thời gian còn lại vào những cuộc chơi vô bổ. Bạn sẽ thấy còn vô số việc có ý nghĩa mà mình chưa kịp làm. Chẳng hạn bạn chưa kịp hoàn thành dự định lấy chứng chỉ ngoại ngữ, chưa kịp đi vòng quanh thế giới, chưa kịp chăm lo cho bố mẹ,…

Lúc đó, bảo bạn phải dời núi, lấp biển mới được sống thêm chắc các bạn cũng quyết làm cho bằng được. Bạn thì vẫn là bạn, nhưng hoàn cảnh đã khiến các bạn không còn thấy sợ hãi, không còn cho rằng việc đó quá sức của mình. Thay vì than vãn, hãy dám sống hết mình và bạn sẽ làm được.

Sưu tầm