chia sẻ:

Social Employee Advocacy – Kênh truyền thông hiệu quả bị lãng quên

06.02.2018 | Sale & Marketing

Người tiêu dùng ngày nay đã trở nên thông minh hơn, và dễ dàng nhận ra đâu là nội dung được chia sẻ tự nhiên, và có xu hướng tránh xa những thông tin quảng cáo từ thương hiệu.
Vì thế, ngoài việc có xây dựng nội dung hấp dẫn, hữu ích cho nhu cầu của khách hàng, điều thương hiệu cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay chính là làm sao truyền tải nội dung thương hiệu đến với mạng lưới khách hàng tiềm năng một cách tự nhiên và “phi quảng cáo” nhất.
Social Employee Advocacy – Kênh truyền thông hiệu quả bị lãng quên

Sức mạnh truyền thông từ cộng đồng nhân viên

Trong rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm cải thiện độ phủ và tần suất lan tỏa nội dung thương hiệu đến mạng lưới khách hàng, sức mạnh truyền thông từ cộng đồng nhân viên được đánh giá là yếu tố có thể giúp thương hiệu giải quyết bài toán truyền thông thương hiệu với mức chi phí tối ưu nhất, nhưng lại đang nhận được rất ít sự quan tâm và chú trọng phát triển. Theo Cisco, nội dung do nhân viên chia sẻ trung bình có tần suất tiếp cận cao gấp 8 lần so với nội dung được chia sẻ từ trang thông tin doanh nghiệp. Giả sử công ty của bạn có 100 nhân viên, mỗi nhân viên sở hữu 200 lượt theo dõi trên Facebook, 100 lượt theo dõi trên Instagram, cùng chủ động chia sẻ, tạo ra những thảo luận tích cực xoay quanh những nội dung được đăng tải trên trang thông tin công ty. Khi đó tần suất tiếp cận đối với những nội dụng này sẽ là 100 x (200+100) = 30,000 lượt. Tuy nhiên, rất khó để khuyến khích đội ngũ nhân viên chủ động tham gia vào những hoạt động kể trên một cách liên tục và lâu dài. Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp về công nghệ như IBM, Microsoft, Dell, Deloitte, SAP… đều đã gặt hái được hiệu ứng thương hiệu rất tốt từ việc tối ưu hóa sức mạnh truyền thông từ cộng đồng nhân viên thông qua việc ứng dụng giải pháp với tên gọi - Employee Advocacy.

Tổng quan về Employee Advocacy

Về cơ bản, Employee Advocacy là hình thức tiếp thị vận động, nuôi dưỡng và khuyến khích nhân viên trở thành người ủng hộ đáng tin cậy cho hình ảnh, thương hiệu bằng cách tổ chức các hoạt động nội bộ như: khen thưởng nhân viên có thành tích tốt; trao tặng vật phẩm thương hiệu (SWAG) như: bút viết, ly, giấy note có gắn logo công ty cho nhân viên… . Trong đó, nhân viên đóng vai trò là:

- Nguồn chia sẻ, truyền tải thông tin tích cực về công ty trên các phương tiện truyền thông mà họ có thể tiếp cận;

- Cầu nối giữa thương hiệu và mạng lưới giao thiệp của họ (bạn bè & gia đình);

- Đại diện cho hình ảnh nội bộ, giá trị cốt lõi, của thương hiệu/ doanh nghiệp.

Vật phẩm thương hiệu (SWAG) là một trong những cách thức giúp lan truyền hình ảnh thương hiệu một cách hiệu quả.

Với sự phát triển mạnh mẽ của MXH, doanh nghiệp ngày càng hướng đến việc đẩy mạnh độ phủ thương hiệu, khả năng kết nối với mạng khách hàng trên các kênh social media, cùng xu thế gắn kết hoạt động truyền thông với nền tảng công nghệ tiên tiến (MarTech), đã thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt nền tảng Employee Advocacy chuyên sâu với các tính năng tự động, hệ thống đo lường, báo cáo thông minh giúp nhà quản lý nhanh chóng nắm bắt hiệu quả tổng quan của các chiến dịch, góp phần tối ưu và hiện đại hóa hoạt động tiếp thị và quảng bá thương hiệu của thương hiệu trên MXH.

Employee Advocacy trong kỷ nguyên Social

Hầu hết trên các nền tảng Employee Advocacy phổ biến hiện nay như: Hootsuite, Engagely, VoiceShare… đều dựa trên cơ chế: tập trung, khuyến khích và đo lường. Theo đó, tất cả các thông tin thương hiệu sẽ được tổng hợp và cập nhật theo thời gian thực trên cùng một giao diện chính. Nhân viên chỉ cần đăng nhập một màn hình duy nhất để tiếp cận và tương tác với tất cả thông tin. Cùng cơ chế khuyến khích (gamification) thương hiệu sẽ dễ dàng thiết lập những chiến dịch advocacy nội bộ hấp dẫn, ghi nhận và trao thưởng cho những nhân viên tạo tương tác tích cực cho thương hiệu. Từ đó, tạo động lực, thúc đẩy nhân viên chia sẻ những nội dung mong muốn đến mạng lưới kết nối trên tài khoản MXH của họ. Thông qua hệ thống báo cáo tự động, với các số liệu, báo cáo được đo lường và thống kê theo thời gian thực giúp nhà quản lý nhanh chóng nắm bắt hiệu quả tổng quan của các chiến dịch Advocacy Marketing.

Một giao diện thông tin duy nhất, cùng tính năng gamification & leaderboard tạo ra môi trường năng động, thúc đẩy nhân viên chủ động tương tác và chia sẻ thông tin thương hiệu một cách tự nhiên và liên tục.

Tóm lại, để quyết định lý do ứng dụng các nền tảng Employee Advocacy vào chiến lược truyền thông dài hạn, hãy xem xét 5 lợi ích của dưới đây:

1. Đẩy mạnh độ phủ và tần suất tiếp cận thương hiệu

Như đã đề cập ở trên, Employee Advocacy thúc đẩy, khuyến khích cộng đồng nhân viên chủ động chia sẻ, tạo ra thông tin tích cực về thương hiệu trên các kênh thông tin mà họ có thể tiếp cận một cách liên tục. Từ đó, cho phép doanh nghiệp cải thiện độ phủ thương hiệu một cách đáng kể, đồng thời mở ra cho doanh nghiệp những cơ hội bán hàng mới từ mạng lưới các mối quan hệ của nhân viên.

2. Tăng độ tín nhiệm cho thương hiệu

Theo Neilson, 67% người tiêu dùng ngày nay không còn bị thu hút, hoặc tin tưởng vào các thông điệp quảng cáo như trước đây, 90% trong số đó có xu hướng mua sắm dựa trên lời giới thiệu từ mạng lưới những người mà họ quen biết, và đề cao những nội dung trung lập, được chia sẻ tự nhiên hơn là nội dung tự quảng cáo từ thương hiệu.

Người tiêu dùng ngày nay không còn bị thu hút, hoặc tin tưởng vào các thông điệp quảng cáo truyền thống.

Có thể thấy niềm tin đã trở thành yếu tố quyết định trực tiếp đến thái độ, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Và việc vận dụng Employee Advocacy vào quá trình nuôi dưỡng nhân viên trở thành những nguồn thông tin đáng tin cậy về thương hiệu trên MXH, sẽ giúp “thổi hồn” và tăng sự tín nhiệm cho thông điệp truyền tải, góp phần gia tăng tần suất khám phá và tiếp cận thông tin thương hiệu/doanh nghiệp từ phía khách hàng. Cụ thể, những nội dung thảo luận từ nhân viên về thương hiệu/sản phẩm có khả năng lan truyền giữa khách hàng cao gấp 24 lần so với những thông điệp quảng cáo truyền thống. Yếu tố này cho phép các hoạt động kết nối với mạng lưới khách hàng diễn ra tự nhiên và liên tục hơn.

3. Gắn kết nhân viên với doanh nghiệp & cải thiện chất lượng tuyển dụng

Không chỉ giúp thúc đẩy hiệu suất của các chiến dịch truyền thông, cơ chế Employee Advocacy còn mang đến lợi ích thiết thực trong các hoạt động: tuyển dụng, gắn kết đội ngũ nhân viên với các giá trị của doanh nghiệp. Theo báo cáo Altimeter & LinkedIn Relationship Economics, nhân viên tại những doanh nghiệp có hoạt động kết nối mạnh mẽ trên MXH có xu hướng hài lòng, gắn bó với doanh nghiệp, và sẽ tích cực hơn trong việc chia sẻ thông tin về công ty trên các kênh MXH. Một nghiên cứu từ trang Inside Careers, cho thấy: ứng viên thường tìm kiếm thông tin từ những nguồn đáng tin cậy trước khi quyết định ứng tuyển vào một vị trí bất kỳ. Vì thế, họ thường ưu tiên chọn lọc thông tin từ người quen, những người có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết thực tế về doanh nghiệp mà họ mong muốn ứng tuyển, hoặc đang trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp đó. Việc vận dụng Employee Advocacy, cho phép doanh nghiệp tạo những điểm chạm đáng tin cậy trên MXH thông qua đội ngũ nhân viên, nhờ đó kết nối doanh nghiệp với những ứng viên sáng giá.

4. Tối ưu chi phí tiếp thị & quảng bá hình ảnh thương hiệu

Tiếp thị trên Social Media được đánh giá là hình thức tiếp thị có chi phí triển khai tối ưu nhất. 

So với những chiến lược tiếp thị truyền thống khác, Employee Advocacy giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí từ những hoạt động tiếp thị & quảng bá hình ảnh thương hiệu khi chỉ tập trung chủ yếu vào sức mạnh truyền thông từ MXH. Ngoài ra, việc tập trung vào quảng bá thương hiệu trên MXH sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng tiếp cận với mạng lưới khách hàng tiềm năng, khi MXH đang trở thành kênh thông tin được phần lớn người tiêu dùng hướng đến. Báo cáo từ JD Power cho thấy, có đến 70% khách hàng đánh giá MXH chính là “chìa khóa” giúp họ tìm kiếm thông tin, kết nối với các nhãn hàng/ thương hiệu.

5. Nắm bắt chính xác hiệu quả chiến dịch truyền thông thường hiệu từ nhân viên

Với hệ thống theo dõi và đo lường thời gian thực từng kênh, thời gian, phòng ban và cá nhân, việc ứng dụng các nền tảng Employee Advocacy chuyên sâu cung cấp bức tranh tổng quan về hiệu quả các chiến dịch Advocacy Marketing. Đồng thời, giúp thương hiệu phát hiện và nắm bắt những nội dung lan truyền tốt, và nhân viên có sức ảnh hưởng nổi bật đến mạng lưới khách hàng. Dựa vào đó, nhà quản lý dễ dàng hiệu chỉnh, thiết kế các nội dung và chiến dịch phù hợp cho với từng đối tượng nhân viên nhằm tối ưu hóa tần suất nhận diện và tương tác thương hiệu.

>> Xem thêmMột số lỗi truyền thông xã hội phổ biến nhất hiện nay.

Nguồn: Brandsvietnam.com