18.07.2018 | Sale & Marketing
Bạn có biết đến Waymo - công ty đang chuẩn bị thương mại hóa dòng xe tự lái ở thành phố Phoenix của Mỹ, hay dự án Loon thuộc bộ phận nghiên cứu phát triển X của Alphabet, sẽ trở thành công ty độc lập vào cuối năm nay?
Đó là những gì đang diễn ra sau 3 năm Google tái cấu trúc lại toàn bộ doanh nghiệp của mình để thành lập công ty mẹ tên là Alphabet, mà theo CEO Larry Page là giúp các bộ phận tại công ty hoạt động hiệu quả hơn.
Quy mô hiện tại của Alphabet cực kỳ lớn với nhiều công ty, dự án tiềm năng như khinh khí cầu kết nối internet, xe tự lái hay nền tảng đám mây Google Cloud.
Nếu bạn chưa thể hình dung cấu trúc của Alphabet gồm những gì, hãy đọc qua những thông tin dưới đây.
Google chính thức trở thành Alphabet vào tháng 10/2015 với hy vọng giúp các đơn vị kinh doanh hoạt động độc lập và hiệu quả hơn. Larry Page, đồng sáng lập Google trở thành CEO Alphabet
Alphabet chia làm 2 đơn vị chính: Google và Other Bets. Other Bets được biết đến nhiều nhất với bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) tên là X cùng một số công ty con khác…
… đầu tiên là Google Fiber. Hoạt động lần đầu tại Kansas City vào 2012 và mở rộng ra 9 thành phố khác của Mỹ, Fiber cung cấp dịch vụ truy cập internet tốc độ cực cao (lên đến 1Gbps) và TV. Hiện Fiber có khoảng 200.000 thuê bao đăng ký
Nhưng số tiền mà Alphabet đổ vào Fiber ngày càng ít đi. Với việc dừng mở rộng thị trường, sa thải hàng trăm nhân viên, nhiều tin đồn cho rằng Alphabet đang chuẩn bị bán Fiber
Tiếp theo là Verily chuyên về chăm sóc sức khỏe với nhiều dự án như kính áp tròng thông minh giám sát nồng độ glucose, dụng cụ hỗ trợ ăn uống cho người già tay run và mắc bệnh Parkinson
Alphabet thành lập công ty Sidewalk Labs vào 2015. Được lãnh đạo bởi Dan Doctoroff, Sidewalk Labs giới thiệu các giải pháp giúp áp dụng công nghệ vào thành phố. Đây là ki-ốt truy cập internet được Sidewalk Labs hợp tác với LinkNYC lắp đặt quanh New York
Thành lập vào 2013, Calico có mục tiêu đầy tham vọng: chữa bệnh tử vong. Theo Business Insider, Calico đầu tư hàng triệu USD để phát triển các loại thuốc phòng chống các loại bệnh như ung thư hay Alzheimer nhằm kéo dài tuổi thọ.
GV là quỹ đầu tư cho các startup mới (early-stage) của Alphabet, trước đây là Google Ventures. Có 2,4 tỷ USD, GV đã đầu tư vào hơn 300 công ty gồm Uber, Flatiron Health hay Slack
Google Capital – nay là CapitalG – là một quỹ đầu tư tăng trưởng. Tuy nhiệm vụ là kiếm lợi nhuận nhưng khác với GV, CapitalG tập trung vào các startup đã trưởng thành (later-stage) như Airbnb, Glassdoor hay Thumbtack
Bộ phận "Think tank" được Alphabet tách ra thành công ty Jigsaw vào năm 2016. Do Jared Cohen lãnh đạo, Jigsaw sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề chính trị như kiểm duyệt nội dung, chủ nghĩa cực đoan và tuyên truyền chống phá
Một cái tên quen thuộc là DeepMind chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI). Sau khi mua lại cách đây 4 năm với giá 500 triệu USD, nhiều sản phẩm của Google đã tích hợp công nghệ AI của DeepMind gồm bộ máy tìm kiếm Google Search. AI của DeepMind cũng có khả năng tự học cách chơi game để chơi với con người.
Có trụ sở tại London (Anh), DeepMind đang xây dựng đội ngũ mới tại Mỹ để cùng làm việc hiệu quả hơn với Google
Xuất hiện từ 2009, Waymo là dự án phát triển xe tự lái thuộc bộ phận Google X. Waymo trở thành công ty độc lập vào năm 2016 nhưng vẫn thuộc công ty mẹ Alphabet
Với ý nghĩa "Way forward in mobility", mục tiêu của Waymo là tạo ra môi trường giao thông dễ dàng và an toàn cho mọi người. Dù đã thử nghiệm và chạy hơn 3 triệu km nhưng vẫn chưa có sản phẩm thương mại của Waymo xuất hiện
Project Loon, dự án "moonshot" thuộc phòng thí nghiệm X nhưng đã tách ra thành công ty độc lập. Nhiệm vụ của Project Loon là mang kết nối internet đến 2/3 dân số thế giới bằng các khinh khí cầu bay lơ lửng trên trời
Thêm một dự án thuộc X là Project Wing cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà bằng drone sử dụng năng lượng mặt trời. Sau nhiều tranh cãi về điều kiện làm việc, Project Wing bị khai tử, lãnh đạo dự án là Dave Vos cũng rời công ty vào tháng 10/2016
Tiếp tục đến với các dự án "moonshot" của X. Trong giới công nghệ, moonshot chỉ các dự án đầy tham vọng, đột phá nhưng cơ hội thành công hay có lợi nhuận thì không rõ ràng. Google sử dụng moonshot khi nói về các dự án sáng tạo, phần lớn đến từ bộ phận Google X do Astro Teller dẫn dắt
Titan Aerospace được Google mua lại năm 2014 và đổi tên thành Project Titan. Dự án sử dụng máy bay không người lái bằng năng lượng mặt trời có thể bay trong nhiều năm để mang internet đến khắp thế giới. Vì một số lý do, Google đã khai tử Project Titan cùng với Project Wing năm 2016
Đó là Other Bets. Tiếp theo hãy đến với chính Google
Tất cả những sản phẩm "truyền thống" của Alphabet như Chrome, điện thoại Pixel, Google Home hay Google Play đều thuộc đơn vị Google do Sundar Pichai làm CEO
Nest Labs được biết đến với các sản phẩm nhà thông minh như nhiệt kế hay camera giám sát. Google mua lại Nest năm 2014 nhưng vẫn là công ty độc lập, đến đầu năm nay Nest mới được Google đưa về mảng phần cứng của mình
Mảng phần cứng của Google được thành lập năm 2016 khi công ty "chiêu mộ" chủ tịch Motorola Rick Osterloh. Một số sản phẩm của Osterloh và đội ngũ của ông gồm điện thoại Pixel, Google Home, Chromebook hay Google Glass
ATAP, viết tắt của Advanced Technology and Projects là bộ phận bí mật của Google với các dự án như vải thông minh Jacquard, Soli sử dụng sóng radar cho cảm ứng không chạm hay Spotlight Stories tạo ra các đoạn phim VR ngắn. ATAP giờ đã thuộc về mảng phần cứng của Osterloh
Đây là Diane Greene, lãnh đạo mảng doanh nghiệp đám mây với các dịch vụ như G Suite (trước đây là Google Apps for Work), Google Cloud Platform và nhiều hơn nữa
Google Cloud là nền tảng điện toán đám mây của Google cạnh tranh với Amazon Web Services và Microsoft Azure. Đây là nguồn đầu tư chính của Google đến thời điểm này. Nhiều lãnh đạo Google tin rằng Cloud sẽ sớm mang về doanh thu cao hơn mảng quảng cáo và tìm kiếm
G Suite gồm các dịch vụ như Hangouts Meet, Calendar, Gmail, Google+, Cloud Search và Google Drive. Theo Google, hàng triệu doanh nghiệp đang sử dụng G Suite
Cái tên nổi tiếng khác là YouTube. Được Google mua lại năm 2006, trang chia sẻ video trực tuyến dưới sự lãnh đạo của Susan Wojcicki đang là mạng video hàng đầu thế giới và là website truy cập nhiều thứ hai
Google Search là sản phẩm cốt lõi của Google. Với hơn 2,3 triệu lượt tìm kiếm mỗi phút, ước tính có hơn 100 tỷ lần tìm kiếm mỗi tháng trên công cụ này
Cũng là một phần quan trọng của Google, Google Maps hiện có hơn 1 tỷ người dùng mỗi tháng
Google AdSense giúp nhà xuất bản kiếm tiền từ nội dung của họ bằng các quảng cáo. Đây cũng là bộ phận mang về doanh thu rất lớn cho Google
Cuối cùng là Android, hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới. Google thường tung ra các bản cập nhật lớn mỗi năm 1 lần và phiên bản mới nhất hiện tại là 8.1 Oreo. Với Play Store, người dùng Android có thể tải ứng dụng, phim, nhạc và sạch.
Nguồn: Vnreview