Cập nhật 08.06.2024 | Báo chí
Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc khách hàng Công ty Du lịch lữ hành Lee Travel chia sẻ, ông và nhân viên của Công ty nhận được không ít lời phàn nàn từ khách hàng rằng, khi đi du lịch, muốn tìm hiểu về điểm đến, danh lam, thắng cảnh, nhà hàng, khách sạn… tại địa phương nào, thì phải cài app của địa phương đó.
“Đến Sapa thì phải cài app của Lào Cai, vào Lâm Đồng lại phải cài app của Lâm Đồng… Cùng một tỉnh, nhưng có nhiều website giới thiệu, quảng bá về du lịch khiến thông tin chồng chéo, lộn xộn. Tình trạng ‘loạn’ ứng dụng phục vụ du lịch đang gây khó khăn cho người dùng…”, ông Hoàng Anh bức xúc.
Thường xuyên tổ chức các tour du lịch Hạ Long, Công ty Du lịch Viettour Star cho hay, có trường hợp, khách hàng đang đi tàu trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) có nhu cầu sang Cát Bà (Hải Phòng). Dù hai địa điểm chỉ cách nhau 100 m, nhưng muốn sang Hải Phòng, đơn vị tổ chức phải quay về bờ để xin giấy phép, vì không có dữ liệu và liên kết thông tin giữa 2 địa phương để đăng ký trực tuyến.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp lữ hành, mùa du lịch hè 2022 đang vào vụ, doanh nghiệp cần hướng dẫn viên đột xuất, nhưng rất khó tiếp cận cơ sở dữ liệu hướng dẫn viên mà Tổng cục Du lịch quản lý.
Ngành du lịch đang đẩy mạnh chuyển đổi số, nhưng trên thực tế, cơ sở dữ liệu du lịch còn phân tán, “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến vừa lãng phí nguồn lực đầu tư, vừa chồng chéo, khai thác không hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, liên kết dữ liệu không phải là vấn đề lớn nếu chúng ta thực sự muốn làm. Theo đó, các đơn vị du lịch, Tổng cục Du lịch và sở du lịch tại các địa phương cần tăng cường kết nối với nhau. Dữ liệu là trọng tâm của chuyển đổi số, nếu không giải quyết được rốt ráo vấn đề dữ liệu, không giải quyết được vấn đề chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu và kết nối dữ liệu, thì hoạt động khai thác du lịch khó đạt hiệu quả cao.
Theo thống kê sơ bộ, có đến 95% doanh nghiệp du lịch nhỏ không có chi phí mua phần mềm du lịch, không thể tự xây dựng nền tảng hoặc trả phí cho các nền tảng khác. Trong khi đó, xu hướng du lịch thông minh ngày càng phổ biến. Các dịch vụ du lịch đang hướng đến đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, trải nghiệm sâu, nên yêu cầu số hóa hệ thống dữ liệu lớn về điểm đến và sản phẩm du lịch lại càng cấp thiết.
Ông Nguyễn Ðức Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở nước ta phần lớn là nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế. Vì thế, nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ của Tổng cục Du lịch cần được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các doanh nghiệp có cơ hội khai thác cơ sở dữ liệu thông tin, tiếp cận thị trường... Ví dụ, ứng dụng Hướng dẫn du lịch Việt Nam phục vụ doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Trang vàng Du lịch Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm dịch vụ và kết nối với khách du lịch; cùng với hệ thống vé điện tử, máy bán hàng tự động, các công cụ thanh toán điện tử…
Để chuyển đổi số thành công trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Quyết Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty VietISO đề xuất Tổng cục Du lịch thành lập các trung tâm dữ liệu. Ông Tâm phân tích, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều tham gia chuyển đổi số, vì vậy, cần có khung pháp lý hoàn chỉnh với hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn. Chỉ khi có được điều này, thì mới kết nối được thông tin từ điểm đến tới trung tâm các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch để tất cả cùng sử dụng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch cho biết, trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Trên cơ sở nền tảng chung, dữ liệu sẽ được chia sẻ để doanh nghiệp và du khách khai thác, trải nghiệm hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, để có một nền tảng chung phát triển trong tương lai, cần sự đóng góp dữ liệu từ người dùng.
“Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó cùng chia sẻ để du khách và doanh nghiệp có thể cùng sử dụng được”, ông Phúc nói.
Được biết, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã xây dựng Kế hoạch Phát triển du lịch số giai đoạn 2021 - 2025; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa thông tin dữ liệu phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng nền tảng kết nối hỗ trợ kinh doanh du lịch, dần hình thành sàn kinh doanh điện tử đối với các dịch vụ du lịch quốc gia...
Nguồn: Báo Đầu Tư