Cập nhật 27.02.2023 | Tin tức
Dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong khi, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đang là xu hướng toàn cầu; trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, nền tảng số là từ khóa quan trọng nhất của chuyển đổi số Việt Nam. Năm 2023, mỗi đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch tỉnh xác định một nền tảng số quan trọng nhất, giải quyết vấn đề, nỗi đau quan trọng nhất của ngành mình, địa phương mình để triển khai.
Bộ trưởng cho rằng, hình thành công dân số quan trọng nhất là hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số để mua bán, học tập, làm việc, sử dụng địch vụ công, khám chữa bệnh, giải trí… Việc hình thành Tổ Công nghệ số cộng đồng ở mức thôn bản, tổ dân phố để có thể đến từng hộ gia đình, đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn sử dụng nền tảng số là cách tiếp cận rất Việt Nam.
Lên môi trường số, mỗi người phải có một chứng minh nhân dân số là VneID; có một tài khoản thanh toán số, ví điện tử, Mobile Money; có chữ ký số; có tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, cơ bản mọi người Việt Nam trưởng thành phải có một phiên bản số hoạt động hoàn chỉnh trên môi trường số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành, địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Tạo ra dữ liệu số và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.
Bộ trưởng cho biết, từ khi triển khai Đề án 06, số lượng giao dịch liên hệ thống tăng đột biến, năm 2022 tăng gấp 5 lần so với năm 2021, vì vậy bắt đầu xuất hiện suy giảm chất lượng. Ngày hôm qua (24/2/2023), Bộ TT&TT đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá chất lượng toàn trình nhằm tìm ra nguyên nhân gốc để xử lý, để nâng cấp các hệ thống. Bộ TT&TT sẽ đánh giá và công bố công khai chất lượng Cổng của Bộ, ngành, địa phương từ năm 2023.
Năm 2023 là năm thứ 4 của chuyển đổi số Việt Nam. Ba năm trước là khởi động, diễn tập và tấn công. Năm 2023 là năm tạo ra các kết quả và giá trị thiết thực. Đó là, tỉ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình là 100%, tỉ lệ hồ sơ của người dân được xử lý trực tuyến toàn trình đạt 50%.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ đề chung năm 2023 là dữ liệu số, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Vì vậy, các hoạt động trọng tâm của Ủy ban Quốc gia và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp đều xoay quanh chủ đề này. Cụ thể năm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát triển dữ liệu mở , phát triển cơ sở dữ liệu , phát triển các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia , phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu , an toàn, bảo mật dữ liệu.
Kế hoạch của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 giao 32 chỉ tiêu quốc gia, cũng là 32 nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương (trong đó có 08 nội dung về dữ liệu số, 09 nội dung về chính phủ số, 05 nội dung về kinh tế số, 06 nội dung về xã hội số và 04 nội dung về an toàn, an ninh mạng). Đây là những nội dung đã rõ cách làm. Đồng thời, mỗi Bộ, mỗi tỉnh được giao thêm một nội dung đặc thù, có thể là đã rõ cách làm nhưng cần tiên phong làm nhanh, ra kết quả trước, để tạo cảm hứng, chia sẻ bài học kinh nghiệm cho các Bộ, tỉnh khác tham khảo, hoặc là nội dung mới, chưa rõ cách làm, cần làm thí điểm để từ đó nhân rộng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho rằng: Trong thời gian qua, nhận thức và hành động về chuyển đổi số của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân được nâng lên; thể chế, chính sách, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số có bước chuyển biến tích cực; dịch vụ công, an toàn thông tin, phát triển chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công tác đào tạo nhân lực được quan tâm; đã xuất hiện nhiều công ty công nghệ trong thực hiện chuyển đổi số ở các lĩnh vực.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai chuyển đổi số
Gợi mở, định hướng để nâng cao chuyển đổi số trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 bảo đảm chặt chẽ, khoa học, phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm trễ, không theo đúng kế hoạch.
Nguồn: Giang Phạm (Gov.vn), Sơn Bình (Quân Đội Nhân Dân)
Nguồn ảnh: TTXVN