chia sẻ:

Cách mạng công nghiệp 4.0

04.01.2018 | Sale & Marketing

Trong 3 năm trở lại đây, cụm từ “Cách mạng công nghiệp 4.0” được người ta nhắc đi nhắc lại trên tivi, đài báo. Mỗi người trong chúng ta có những cách hiểu khác nhau về cuộc cách mạng công nghiệp này và có những phản ứng khác nhau.
Cách mạng công nghiệp 4.0

Chúng ta lo sợ cho công ăn việc làm của mình sẽ mất đi, bao công sức học hành đổ sông đổ bể. Đành rằng như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có nói rằng trong lịch sử, các cuộc cách mạng công nghiệp từ 1 tới 3 làm mất đi một số công việc nhưng nó cũng tạo thêm ra một số công việc khác. Và thường tổng lượng công việc sau cuộc cách mạng lớn hơn nhiều so với trước cuộc cách mạng.

Nhưng chúng ta thừa hiểu rằng đó là xét trên quy mô cả nước. Còn xét mỗi cá nhân chúng ta, chắc gì công việc mới kia đã tới lượt chúng ta? Chúng ta chắc gì đã có thể học hỏi trong một thời gian ngắn để đáp ứng công việc đó? Từ công nhân cổ cồn xanh lên công nhân cổ cồn trắng đâu có đơn giản.

Đây là một góc nhìn vắn tắt về cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là gì?

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào thế kỷ 17 với sự phát minh ra động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra vào thế kỷ 18 với sự phát minh ra động cơ đốt trong, động cơ điện, phương thức sản xuất dây chuyền. Cuộc cách mạng lần thứ 3 diễn ra vào thế kỷ 19 khi người ta phát minh ra vật liệu bán dẫn, máy tính.

Chúng ta để ý rằng mỗi cuộc cách mạng đều được bắt đầu bởi một phát minh mang tính căn bản. Phát minh đó làm cơ sở để sinh ra các phát minh khác. Từ đó thay đổi hẳn phương thức sản xuất, phương thức mới giúp năng suất lao động tăng lên. Cùng một nhân công thì khối lượng sản phẩm tạo ra gấp nhiều lần so với trước đó.

Cuộc cách mạng 4.0 manh nha từ những chiếc máy tính đầu tiên vào giữa thế kỷ 20 nhưng thực sự gọi là bắt đầu bởi việc phát triển bùng nổ của Internet. Cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm:

1. Vạn vật kết nối: Các thiết bị được kết nối với nhau bởi internet. Bạn có thể theo dõi căn nhà của mình, ra lệnh cho một thiết bị nào đó trong nhà hoạt động. Người quản lý có thể theo dõi tình trạng của máy móc trong nhà xưởng cách anh ta cả nửa vòng trái đất…

2. Điện toán đám mây: Trước đây mỗi máy chủ được gán cho một chức năng nào đó, ví dụ như máy chủ dữ liệu, máy chủ web, máy chủ mail.,..Ngày nay không có khái niệm đó, chỉ có một tập hợp các máy chủ. Người dùng sẽ không biết dữ liệu được lưu trữ ở máy nào. Ở quy mô thế giới, google có hàng trăm các nhà máy,  trong mỗi nhà máy là hàng nghìn các máy chủ hoạt động ngày đêm. Khi bạn dùng các dịch vụ của google, bạn không biết được là đang giao tiếp với máy chủ nào và ở đâu.

3. Dữ liệu lớn: trước đây có khái niệm dữ liệu tập trung nhưng vì dữ liệu tập trung đòi hỏi máy chủ data cũng phải lớn và bộ vi xử lý phải nhanh nên dữ liệu tập trung chỉ có thể thực hiện ở quy mô nhỏ. Ngày nay nhờ có điện toán đám mây, tốc độ các bộ vi xử lý mà dữ liệu được tập trung ở mức vô cùng lớn.  Nó sẽ giết chết các nghề xuất phát từ kinh nghiệm như bác sĩ, luật sư, tư vấn tài chính,..

4. Trí tuệ nhân tạo, tự động hóa: Xuất phát từ sự phát triển của các cảm biến khiến cho máy móc có thể nhận biết được những thay đổi chung quanh. Tiến thêm một bước nữa là thêm khả năng tự học hỏi, máy móc có thể tự mình học qua trải nghiệm thực tế thay vì hành động theo những cài đặt từ trước đó của con người.

 

Tất nhiên ngoài mấy thứ này còn có công nghệ thực tại ảo, in 3D,… nhưng nhớ nhiều quá làm gì cho mệt.

Trước đây các nước phát triển chuyển nhà máy của họ sang các nước đang phát triển để tận dụng nhân công giá rẻ. Giờ đây họ đầu tư máy móc tự động tại chính đất nước họ. Họ chỉ phải trả lương cho vài người điều khiển do vậy họ không cần lao động giá rẻ nữa. Công việc sẽ bị kéo về các nước phát triển. Điều này tất yếu dẫn tới công việc đòi hỏi ít chất xám sẽ mất đi.

Mỗi nước hiện nay đều đang xây dựng hẳn một chiến lược tương ứng để phán ứng trước cuộc cách mạng. Việt Nam sẽ làm được gì khi đang ở xuất phát điểm rất thấp. Trước chúng ta nghĩ có thể đi tắt đón đầu nhưng thực tế không đơn giản thế. Không hẳn là chỉ cần đào tạo ra các lập trình giỏi là đủ, vẫn cần phải có khoa học cơ bản. Một hệ thống máy móc tự động trước khi cần phần mềm điều khiển nó thì đã phải được thiết kế chế tạo phần cứng rồi.

Kinh tế tri thức trước đây vẫn có chỗ cho những người tri thức kém nhưng giờ điều đó không còn nữa. Cách mạng sẽ đẩy tất cả mọi người phải học hỏi để bước vào vùng tri thức, nếu không họ sẽ ở tầng đáy của xã hội.

Trước đây điều khiển một dây chuyền máy móc đòi hỏi nhiều kỹ năng, ngày nay người ta chỉ cần thuê một người tốt nghiệp cấp 3 điều khiển một hệ thống máy móc tự động hàng triệu đô. Công nghệ càng phát triển càng ít phụ thuộc vào con người điều khiển nó. Và bạn hãy tượng tượng điều này sẽ dẫn tới đâu?

Hãy nhìn trên phạm vi toàn thế giới, mỗi một sản phẩm/ dịch vụ hiện nay chỉ có vài thương hiệu. Hồi xưa nhờ ngăn sông cấm chợ mà cứ mỗi vùng có một thương hiệu riêng, vẫn có đất sống cho các công ty dưới trung bình. Ngày nay chỉ có các công ty giỏi nhất mới sống và họ bán trên toàn thế giới. Nhờ quy mô sản xuất lớn nên họ đầu tư được vào nghiên cứu phát triển sáng tạo ra những sản phẩm mới liên tục, nhờ có quy mô họ cũng sản xuất được các sản phẩm giá rẻ trong khi vẫn có lợi nhuận tốt. Nhưng họ gặp phải bài toán ở tốc độ sản xuất. Apple tung ra gần 80 triệu iPhone mỗi quý, vậy nó phải cần rất nhiều nhân công để sản xuất.

Và giờ đây những thương hiệu đó sản xuất hoàn toàn tự động bằng máy móc. Máy móc hoạt động 24 giờ mỗi ngày, không kêu ca về môi trường làm việc, không đòi tăng lương, dễ đoán. Các ông có quy mô càng lớn càng cố gắng để tự động hóa càng nhiều càng tốt, giảm dần số người cần thiết trong hệ thống dây chuyền. Đầu tư ban đầu có thể cao nhưng rồi mọi thứ sẽ trở nên rẻ hơn trước.

Chúng ta sẽ có thể mua sản phẩm với giá ngày càng rẻ hơn nhưng thu nhập của chúng ta sẽ ngày càng thấp đi. Nguyên nhân là thế đàm phán của các ông chủ sẽ ngày càng tăng do lượng cầu lao động ngày càng nhiều. Những người lao động trong ngành và những lao động từ ngành khác chuyển sang. Một cách tương đối, chúng ta sẽ mua ngày càng đắt hơn chứ không phải rẻ hơn như ta tưởng.

Nhiều công ty chết đi. Các công ty sống thì cần rất ít nhân công. Kết quả là lượng công việc sinh ra thì ít mà mất đi thì nhiều. Thất nghiệp sẽ gia tăng.

Phân hóa giàu nghèo trong một đất nước. Phân hóa giàu nghèo giữa các nước với nhau. Tất yếu dẫn tới khủng bố, cướp bóc, trộm cắp. Mức độ an toàn của người dân sẽ ngày càng kém đi.

Chúng ta đang ở giữa tâm của cuộc cách mạng. Nó là cơ hội và cũng là thách thức vô cùng lớn.

Thách thức đó là trong giai đoạn này công việc mới thì chưa thấy đâu nhưng công việc cũ thì đã mất đi rồi. Công việc mà bạn đang làm cho dù có là ở đâu thì cũng sẽ rất bấp bênh.

Cơ hội là vì chúng ta đang ở những xuất phát điểm như nhau. Chúng ta đều có cơ hội để vươn lên tận dụng cuộc cách mạng. Ít nhất là không để nó nhấn chìm. Khác hẳn so với hồi xưa, chi phí để tiếp cận tri thức ngày nay rẻ hơn nhiều. Chỉ cần một cái điện thoại thông minh, một cái tivi có kết nối Internet là ta có thể tiếp xúc với tri thức nhân loại. Nhưng để tận dụng được đòi hỏi chúng ta phải nhận thức được chúng ta đang ở đâu, nên đi về đâu và nên đi như thế nào.

Tất cả sự thay đổi này đòi hỏi phải rất nhiều thời gian, 10 tới 20 năm. 10 năm đối với chúng ta là khoảng thời gian không hề nhỏ, đối với một đất nước lại là một khoảng thời gian ngắn. Chúng ta không thiếu thời gian, chúng ta chỉ thiếu động lực, thiếu kỹ năng cần thiết để tự mình vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Câu hỏi đặt ra và chắc nhiều người quan tâm: Vậy nói chúng ta phải làm gì?

Bạn đang đi xe máy về nhà, trời đột nhiên mưa thì bạn làm gì?

Tấp vào đâu đó đợi trời tạnh

Mặc áo mưa và đi tiếp

Nếu chưa có áo mưa thì mua áo mưa

Cứ đi mặc dù biết chắc là sẽ ướt sũng

Lẩm nhẩm vài câu thần chú mong ông trời nghe thấy sẽ ngừng mưa cho tới khi về nhà.

Trường hợp này cũng vậy. Cách mạng công nghiệp 4.0 giống như một cơn mưa trên đường đời, nó đến từ từ, mưa to dần. Ta có thể kệ mẹ nó, đứng lại ngắm cuộc cách mạng. Có thể trang bị các năng lực cần thiết để thích nghi với cuộc cách mạng. Rõ ràng khi trời mưa, mọi người có cùng xuất phát điểm về việc ra quyết định nên làm gì nhưng kết quả lại rất khác nhau. Người khô ráo, người ướt sũng, thậm chí có người vội vàng gây tai nạn cho mình và người khác.

Than thân trách phận thì cũng chẳng khác gì việc bạn dừng lại than phiền với ông trời xin đừng mưa. Chẳng ai nghe bạn đâu. Tốt nhất hãy sắm cho mình cái áo mưa.

>> Xem thêmSales và Marketing thời 4.0

Theo chienluocsong.com