03.07.2018 | Sale & Marketing
Bối cảnh: Tuy là một địa danh khá "nổi" sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản vẫn không mấy hấp dẫn du khách với chi phí đắt đỏ, văn hóa sống khép kín và nhiều thủ tục rườm rà.
Kế hoạch: Bắt đầu từ những chính sách vĩ mô, chính phủ Nhật Bản gỡ bỏ các rào cản về Visa cũng như tài chính, khiến những điểm khác biệt về tự nhiên, con người và văn hóa Nhật Bản được quảng bá thông qua mạng xã hội đến khắp thế giới.
Kết quả: Nhật Bản nhanh chóng "lột xác" trở thành một điểm đến hấp dẫn, với lượng khách du lịch tăng vọt từ 8,6 triệu lên đến 28,7 triệu lượt mỗi năm từ năm 2010, trở thành quốc gia du lịch hấp dẫn thứ 12 trên thế giới.
Vào năm 1995, chỉ có vỏn vẹn 3,3 triệu lượt khách đến với Nhật Bản, đa phần bị thu hút bởi những kiến trúc tôn giáo cổ, những ngọn núi phủ trắng tuyết, hay những bãi biển tuyệt đẹp. Nhưng số lượng "ít ỏi" kia chỉ giúp Nhật xếp thứ 34 trên toàn cầu về du lịch, đứng sau cả những quốc gia như Bulgaria, Ukraine và Bỉ.
20 năm sau đó, Nhật Bản vẫn chỉ đón 6-7 triệu du khách mỗi năm, "dậm chân tại chỗ" với vị trí thứ 32 trên thế giới. Và đến năm 2010, tình hình vẫn chưa thay đổi nhiều khi Nhật Bản chỉ vươn lên được hạng 31 trên toàn cầu.
Phát triển một cách "từ tốn", Nhật Bản gặp phải một hồi chuông cảnh báo vào năm 2011 với thảm họa hạt nhân Fukushima, ngành du lịch của Nhật lần đầu tiên bị sụt giảm liên tục trong hai năm liền. Đến năm 2013, chính quyền Nhật quyết định thay đổi để phát triển du lịch một cách "nghiêm túc".
Và đùng một cái, số lượng khách ghé thăm Nhật Bản tăng lên tới hơn 28,7 triệu lượt vào năm 2017, đưa nước này lên vị trí số 1 trong danh sách các quốc gia tăng trưởng du lịch tốt nhất thế giới. Nhật Bản đồng thời "nhảy" ào lên vị trí thứ 12 trên toàn thế giới về số lượng du khách.
Vậy họ đã làm điều đó như thế nào?
>>> Xem thêm: Thành công vượt trội của “It's more fun in the Philippines”
Sự tăng trưởng thần kỳ của Nhật bắt đầu từ những thay đổi của chính quyền Abe. Ngay sau cuộc khủng hoảng hạt nhân, Nhật Bản tháo gỡ rất nhiều rào cản thị thực cho các nước tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Đến năm 2015, các du khách Trung Quốc cũng được "mở cửa", và đến năm 2017, Ấn Độ và Ukraine gia nhập nhóm những nước có thể dễ dàng đến Nhật Bản (trong đó có đến 66 nước không cần Visa).
Tiếp theo đó có thể kể đến sự rớt giá của đồng yên từ chính sách Abenomics. Vào năm 2012, 1 USD chỉ có thể đổi 80 Yên. Nhưng tỷ lệ đó liên tục tăng lên 98 Yên vào năm 2013, 112 Yên vào năm 2014, và hơn 120 Yên vào năm 2015. Giá nội tệ thấp dẫn đến hình ảnh "xa xỉ" của Nhật Bản dần dần bị xóa trong lòng du khách quốc tế.
Nhật cũng được "hưởng lợi" một phần không nhỏ từ sự bùng nổ của du khách Trung Quốc. Vào năm 2000, chỉ có 10,5 triệu du khách Trung Quốc trên toàn cầu, nhưng đến 2017, con số kia đã tăng lên 13 lần với 145 triệu du khách!
Chỉ chưa đầy hai thập kỷ, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ để trở thành quốc gia có số du khách lớn nhất thế giới với "hầu bao khủng": hơn 261 tỷ USD vào năm 2016 (so với chỉ 123 tỷ USD từ những du khách Hoa Kỳ).
Sự bùng nổ trên trực tiếp đẩy Trung Quốc trở thành nước "thống trị" thị trường du lịch Nhật Bản nhiều năm liền.
Với địa thế trải dài, Nhật Bản được thiên nhiên ưu ái với bốn mùa rõ rệt. Kết hợp với sự phát triển của mạng xã hội, những khung ảnh thiên nhiên tuyệt mỹ của Nhật Bản nhanh chóng được "chia sẻ" ra khắp thế giới. Chẳng hạn như mùa xuân và mùa thu với hoa anh đào và hàng cây lá đỏ. Mùa hè với những bãi biển đẹp và sạch đến xiêu lòng.
Hay mùa đông "siêu lạnh" mà hiếm quốc gia nào trong khu vực có được, khi các du khách được tận hưởng cảm giác đi trên những mẫu băng tan hay ghé thăm con đường với bước tường tuyết cao đến tận 20 mét!
Xuất hiện ngay từ những ngày đầu lập nước, đạo Shinto được xem như "xương sống" của mọi hoạt động tại Nhật Bản. Ngoài ra thì Đạo Phật cũng đến với đất nước này từ tận thế kỷ thứ 6, khiến cả hai trở thành một nét sống của người dân Nhật Bản và là một điểm hấp dẫn cho du lịch.
Những khu vườn mang phong cách thiền tông, bao gồm phần lớn là sỏi, đá và đá tảng trở thành những địa điểm hấp dẫn du khách. Khu vườn thường xuyên được "sắp xếp" bằng một chiếc cày bằng gỗ để tượng trưng cho mặt nước. Cả cảnh vật và hoạt động "cày" kia đều được du khách mong chờ vì nó mang đến cho người xem một cảm giác tĩnh tâm đến lạ thường.
Có thể bạn quan tâm: Du lịch Campuchia - Phát triển từ “Vương quốc nhiệm màu”
Ngoài những yếu tố tự nhiên và tâm linh, cuộc sống thành thị của người dân Nhật Bản cũng là một điểm nổi bật. Đặc biệt là những khu vực như Shibuya 109, một trung tâm mua sắm nhiều tầng chỉ dành riêng cho thiếu nữ, hay khu vực Akihabara chuyên dành riêng cho thiết bị điện tử và văn hóa truyện tranh.
Ngoài ra, tính cách của người dân Nhật Bản cũng biến quốc gia này trở thành một nơi cực kỳ an toàn và lịch sự đối với khách du lịch. Không khó để bắt gặp một câu chuyện về "người Nhật Bản" được những du khách nước ngoài "nhiệt liệt" khen tặng trên các website du lịch.
Hấp dẫn du khách không kém đó là các lễ hội, một số tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng chúng đều được thay đổi cho phù hợp với văn hóa Nhật Bản. Đây cũng là đất nước duy nhất ở Đông Á không đón Tết Âm lịch "hoành tráng" như những nơi còn lại. Nhưng đổi lại, lễ hội tại Nhật được tổ chức ở khắp mọi nơi với nhiều tập tục rất khác nhau, dù cùng chung một đất nước.
Đặc biệt là vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Tư hàng năm, lễ hội rước "của quý" ở Nhật Bản là một trong những ngày hội độc và lạ nhất thế giới. Với tên gọi Kanamara Matsuri (Lễ hội dương vật thép), đây là ngày lễ để thờ vị tổ nghề rèn, vị thần đã có công chế tác ra mô hình "của quý" để tiêu diệt ma quỷ chuyên quấy nhiễu, chọc ghẹo các cô gái trẻ. Kanamara Matsuri có từ tận thế kỷ thứ 17 và được người dân gìn giữ đến ngày nay.
Lễ hội mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch tới tham dự. Chủ đề của ngày hội không chỉ như truyền thống mà còn gửi tới thông điệp nâng cao nhận thức về quan hệ tình dục an toàn và gây quỹ cho các hoạt động phòng chống AIDS. Ngoài ra thì lễ hội này cũng được rất nhiều người Nhật tham dự để cầu may, nhất là các cặp vợ chồng hiếm muộn mong muốn sinh con.
Nguồn: Trí thức trẻ