chia sẻ:

7 Bí kíp tránh mắc bẫy mua hàng Online dịp Black Friday

24.11.2017 | Sale & Marketing

Hôm nay - thứ Sáu ngày 24/11 là Black Friday rồi, sau đó là Cyber Monday, rồi lại đến Giáng Sinh - quả thực là những dịp giảm giá mua sắm cuối năm không thể bỏ qua trên toàn thế giới.
7 Bí kíp tránh mắc bẫy mua hàng Online dịp Black Friday

Tuy nhiên, đây cũng là ngày để những kẻ lừa đảo lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của nhiều người mà thực hiện những trò lừa gạt nhằm trục lợi cho bản thân, nhất là trong thời điểm Internet phát triển và nhiều người còn không biết rõ những hiểm họa về mua hàng online.

Vậy thì hãy tham khảo những cách sau đây để giảm thiểu rủi ro lớn nhất cho mình nếu giao dịch qua Internet nhé:

1. Trả tiền bằng thẻ tín dụng


Nếu không có lựa chọn trả tiền khi giao hàng tận nơi mà phải đặt cọc trước một phần (hoặc toàn bộ) thì hãy sử dụng thẻ tín dụng thay vì thẻ ghi nợ.

Thẻ ghi nợ nói nôm na là thẻ ngân hàng thông dụng chúng ta hay dùng, nạp tiền vào trước và chỉ được tiêu đúng giới hạn có sẵn đó. Còn thẻ tín dụng sẽ cho phép bạn tiêu quá số tiền có sẵn ở một mức, tùy theo thu nhập chứng thực của bạn, và có thể trả nợ lại ngân hàng sau.

Thẻ tín dụng an toàn hơn là bởi vì những công ty phân phối và kiểm soát thẻ tín dụng cũng có một phần trách nhiệm trong mỗi giao dịch mà họ cho phép hỗ trợ trả tiền bằng định dạng thẻ này, cho nên khi món hàng của bạn hóa ra là một trò lừa đảo hoặc có dấu hiệu như vậy, bạn sẽ được bảo vệ bởi nhiều quy định và điều luật, bao gồm cả hoàn tiền và nhiều chi tiết khác.

2. Đừng truy cập link lạ gửi vào email của bạn


Từ lâu rồi đây vẫn là cách ưa thích của những kẻ hám lợi có ý đồ xấu xa, và người dùng thì vẫn luôn dại dột dễ trở thành những con mồi ngon cho chúng. 

Nếu nhận thấy một email mới gửi đến hòm thư với tiêu đề khá bắt mắt, hấp dẫn cùng nội dung thu hút, đặc biệt là nêu tên và nguồn từ những trang web lớn cùng các lời quảng cáo về đơn hàng giảm giá mạnh, thì cũng đừng vội tin mà ấn vào đường link có sẵn trong đó. Chúng có thể là link mã độc hoặc những hình thức tương tự để lấy cắp thông tin lưu trữ trong máy tính của bạn, nhất là những mật khẩu tự động lưu trên trình duyệt.

Đừng lười biếng đến nỗi không buồn tay vào nổi trang chủ của thương hiệu đó và tự tìm kiếm cho mình một món đồ ưng ý. Chỉ mất vài giây gõ địa chỉ web thôi mà.

3. Đừng nhấn chọn link trên tin nhắn smartphone


Bên cạnh email, bạn cũng hoàn toàn không nên tin tưởng tin nhắn SMS hay các tin gửi qua ứng dụng như Viber, Zalo, Messenger... trên smartphone bao giờ cả. 

"Thông báo đã trúng thưởng cần xác nhận"? Không! "Phần quà cho bạn đã được gửi nhưng nhầm địa chỉ, cần nhập thông tin khác để nhận hàng"? Không! "Bạn được hoàn tiền vì có nhầm lẫn, cần xem thêm tại..."? Không! 

Tương tự như trên máy tính, nhấn truy cập vào link trong tin nhắn cũng hoàn toàn có thể khiến bạn rơi vào tầm tay kiểm soát của kẻ xấu và khai thác được hết thông tin cá nhân trên smartphone của mình.

4. Kiểm tra tiêu chuẩn an toàn bảo mật


Hãy luôn đảm bảo bạn truy cập đúng đường link và website được mã hóa an ninh thông tin. Hầu hết những trình duyệt phổ biến hiện nay như Edge, Chrome đều có tính năng tự cảnh báo nếu bạn lỡ ấn vào liên kết nào không bảo mật. Hoặc nếu muốn chắc chắn hơn, hãy luôn nhìn vào đường dẫn ở thanh địa chỉ duyệt web mỗi khi chuyển sang 1 trang mới và đảm bảo nó bắt đầu bằng cụm từ "https://" và theo sau là link.

"http://" là giao thức truyền tải dữ liệu thông thường, còn "https://" được thêm 1 chữ "s" tức "secure" - an ninh đó. Luôn nhớ đặc điểm này nhé.

5. Luôn chọn website mua bán tin cậy


Vẫn là một thói quen nữa mà vẫn luôn phải nhắc đi nhắc lại mỗi dịp mua sắm: Luôn luôn ưu tiên những cửa hàng, địa chỉ online đã có uy tín hoặc từng quen biết, mua hàng từ trước.

Sẽ là một nỗi ngớ ngẩn hết sức nếu bạn bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo mà chạy theo một lời mời mọc giảm giá hơn chút từ một nơi nào khác. Có thể chưa rủi ro đến nỗi bị lừa, nhưng biết đâu được chất lượng hàng khi nhận không như ý, để rồi rơi vào tình cảnh "treo đầu dê, bán thịt chó", ảnh trên mạng và ngoài đời khác xa nhau, hay thậm chí là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng?

6. Giữ lại bằng chứng giao dịch, lưu ý chính sách đổi trả


Không thể biết trước được mọi sự việc sẽ xảy ra và diễn biến, phát sinh như thế nào. Vì thế, cách tốt nhất là luôn giữ cho mình những giấy tờ hoặc ảnh chụp giao dịch online của mình cùng mọi thông tin cần thiết. 

Ngoài ra, nếu mua hàng từ những trang web quốc tế, hãy kiểm tra kỹ những điều khoản đổi trả hàng của nơi bán, nhất là những quy định hoàn tiền hoặc đền bù khi có sai phạm, sự cố không lường trước để giảm thiểu tối đa trường hợp xấu. "Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng" mà.

7. Bình tĩnh, luôn vững vàng tâm trí


Tại sao lại phải vững vàng tâm trí? Vì bạn cần sáng suốt mọi lúc để không rơi vào những "cạm bẫy" giá rẻ nhưng chất lượng thì chưa chắc đảm bảo, hoặc những lời mời gọi không đáng để đi theo dù có hấp dẫn. Nhớ nhé, vì không ai khờ khạo đến nỗi cho không bạn thứ gì đâu!

Theo Trí Thức Trẻ