chia sẻ:

5 bước giúp doanh nghiệp thương mại điện tử vươn ra toàn cầu

08.06.2017 | Sale & Marketing

Tìm hiểu về các quy tắc và thói quen mua sắm tại các nước thị trường mục tiêu của doanh nghiệp, để tạo ra trải nghiệm bán lẻ thương mại điện tử thân thuộc tới khách hàng hàng quốc tế.
5 bước giúp doanh nghiệp thương mại điện tử vươn ra toàn cầu

Doanh nghiệp của bạn đã sẵn sàng vươn tới thị trường toàn cầu? Hiện nay, cơ hội ngày càng kinh doanh quốc tế ngày càng mở rộng, đặc biệt là các công ty sở hữu website TMĐT. Trong khi bán lẻ TMĐT ở Mỹ đang tăng nhanh, ước tính $523 tỷ trong 5 năm tới, và con số này cũng sẽ lớn hơn rất nhiều trên phạm vị toàn cầu. Doanh số của các doanh nghiệp B2C sẽ đạt quá $2 nghìn tỷ vào năm 2017. Doanh số thương mại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ vượt qua khu vực Bắc Mỹ cũng trong những năm tới.

Sự tăng mạnh của việc sử dụng các thiết bị di động tại khu vực này, cộng thêm hệ thống thanh toán nâng cấp tốt hơn và các phương thức vận chuyển được cải tiến, đã góp phần vào sự phát triển nhanh chóng này. Người tiêu dùng ở các thị trường quốc tế không thể mua những sản phẩm/dịch vụ họ muốn tại các doanh nghiệp địa phương. Chính điều này đã tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp tại các khu vực khác. Tuy nhiên, việc vươn ra quốc tế là không hề dễ dàng. Nếu như bạn nghĩ doanh nghiệp của mình đã hoàn toàn đã sẵn sàng để mở rộng thị trường online vượt qua biên giới, trước hết hãy xem những yếu tố quan trọng dưới đây.

Đánh giá cung cầu

Để có một bức tranh toàn cảnh rõ ràng về khả năng thành công của doanh nghiệp mình tại các thị trường khác, đầu tiên, bạn cần đánh giá công ty mình từ góc nhìn địa phương. Tiến hành đánh giá và khảo sát trước về khu vực định mở rộng: đối thủ cạnh tranh, nhu cầu về sản phẩm, giá cả, và hành vi tiêu dùng. Theo như nhà cung cấp dịch vụ TMĐT Pitney Bowes, các doanh nghiệp “cần đảm bảo hiểu rõ sản phẩm họ đang bán hiện nay và nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường mới”.

Việc tìm hiểu đầy đủ những thông tin cần thiết sẽ giúp bạn nắm bắt được quy mô của thị trường đang tồn tại, tình hình cung – cầu lên xuống, cũng như giá bán ra sản phẩm phù hợp. McKinsey đã nhận thấy tại thị trường Trung Quốc, chi tiêu dành cho mua sắm trực tuyến tập trung phần lớn tại một số phân khúc bán lẻ ở các ngành may mặc, giải trí, giáo dục và các đồ gia dụng. Đây chính là một cơ hội lớn dành cho các công ty nước ngoài đang kinh doanh những lĩnh vực này muốn mở rộng sang thị trường Trung Quốc.

Tương tự, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra Australia là một trong những thị trường lớn nhất đối với các doanh nghiệp bán lẻ TMĐT. Hơn nữa, ở đây, hàng rào thuế quan cũng hay chi phí bỏ ra để được cấp phép kinh doanh tại địa phương khá hợp lý. Những nghiên cứu ban đầu này là một bước rất quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp tại thị trường mới ở nước ngoài.

Địa phương hóa sản phẩm

Các doanh nghiệp khi tung các sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế cần phải điều chỉnh hoặc tăng cường thêm các giải pháp để có thể phù hợp với sở thích, xu hướng của dân cư địa phương. Nhiều doanh nghiệp ở Mỹ đã nghĩ rằng chỉ cần marketing tốt hoặc đưa ra mức giá phải chăng là có thể che lấp được các yếu tố văn hóa, và tất nhiên họ đã phải nhận thất bại khi cố gắng đưa các sản phẩm hiện đang bán tại thị trường Mỹ tới một thị trường mới.

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về vấn đề này chính là Mattel, nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp này đã thất bại khi tung ra sản phẩm búp bê Barbie ở thị trường Trung Quốc vào một vài năm trước, bởi sự thiếu kết nối văn hóa. Theo những báo cáo lúc bấy giờ, những mẫu búp bê Barbie này không thu hút được các bé gái Trung Quốc, bao gồm cả mẫu “cutesy… pink clothes” Hello Kitty rất được ưa chuộng tại Mỹ lúc bấy giờ, đó là do Mattel đã hoàn toàn xem nhẹ thị hiếu của người tiêu dùng ở đây.

Những mẫu búp bê Barbie phương Tây “quyến rũ” đơn giản chỉ là một sự thất vọng. Mattel đã đổ thêm rất nhiều vốn vào để thay đổi tại thị trường này, và dần khôi phục. Tuy nhiên, sai lầm này đã khiến Mattel không thể vượt qua được các doanh nghiệp nội địa tại Trung Quốc.

Địa phương hóa website

Bản địa hóa thực chất là tác nhân quyết định khi kinh doanh theo khu vực. Website thương mại điện tử của bạn nên phản ánh đúng nghĩa thời gian và sự quan tâm bạn bỏ ra để thay đổi các sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ không bỏ tiền ra mua bất kỳ sản phẩm nào nếu họ không hiểu sản phẩm hoặc thông điệp mà bạn truyền tải.

Thực tế, 87% người tiêu dùng không đọc hiểu được tiếng Anh sẽ không mua sản phẩm/dịch vụ từ một website chỉ toàn tiếng Anh, cũng như vậy 60% người tiêu dùng trên toàn cầu hiếm khi mua sản phẩm trên các site tiếng Anh. Có thể bạn không tin, những hiện nay vẫn còn khá nhiều công ty dựa vào Google Translate dịch ngôn ngữ khác nhau trên web khi mở rộng hoạt động sang thị trường quốc tế, và theo như Russell Goldsmith, Giám đốc của công ty dịch thuật Conversis tại Anh, thì những loại site như thế này là một sai lầm nghiêm trọng.

Như GoldSmith đã nói thì “Nếu bạn thật sự quan tâm đến cách nhìn của khách hàng tại những thị trường quốc tế mục tiêu, thì đối với những người tiêu dùng nói tiếng địa phương thì việc website tự động hóa dịch bằng các công cụ như Google Translate, Bing Translate, là vô cùng thiếu chuyên nghiệp.” Thuê một đội ngũ nhân viên là người bản xứ để giúp bạn xử lý ngôn ngữ địa phương trên website hoàn hảo cũng như tối ưu hóa những trải nghiệm người dùng phù hợp với bản sắc và văn hóa. Hãy đảm bảo những thông điệp, nội dung khi được dịch ra phải phù hợp đúng phong cách, sắc thái ngôn ngữ địa phương, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn được chính xác ý tưởng, cảm hứng chủ đạo của nhãn hiệu.

Thiết lập giá phù hợp

Khi doanh nghiệp phát triển tại thị trường mới, bạn phải đặt giá dựa trên giá trị tiền tệ địa phương. Mức giá cả ở thị trường nước này chưa chắc đã giống và hoạt động giống như ở nước khác, sẽ có những sự chênh lệch nhất định. Bạn không thể áp y nguyên mức giá ở thị trường Việt Nam vào thị trường Nhật hay Mỹ, khi mệnh giá tiền Việt cũng như thu nhập của người dân thấp hơn nhiều so với đồng Yên hoặc đô la Mỹ.

Cạnh tranh về giá cả là yếu tố quan trọng trong bất kỳ thị trường nào, và được điều chỉnh phụ thuộc vào giá trị tiền tệ của mỗi quốc gia cũng như nhu cầu về sản phẩm của người tiêu dùng. Hơn một nửa người tiêu dùng sẽ dành sự chú ý và quan tâm của mình cho một website có giá cả địa phương phải chăng.

Nhiều yếu tố đóng góp vào việc định giá địa phương trong các thị trường toàn cầu. Bao gồm:

- Chi phí sản xuất

- Sự biến động ngoại tệ

- Mức giá khách hàng quốc tế sẽ phải trả

- Giá của đối thủ cạnh tranh tại địa phương

- Các chi phí về thuế, giấy phép kinh doanh,… tại địa phương

Một điều quan trọng khác cũng cần lưu ý đó là phương thức thanh toán theo từng thị trường. Mặc dù việc theo dõi hành vi, thói quen tiêu dùng của khách hàng tại thị trường mới là khá mất công sức cũng như thời gian, nhưng bù lại bạn sẽ có nhận được những hiệu quả tích cực cho sản phẩm/dịch vụ của mình. Theo như Ontraport, 50% người Đức ưa thích thanh toán chuyển khoản ngân hàng, trong khi người Trung Quốc lại thường chi trả qua các cổng thanh toán trực tuyến quốc tế như Alipay, Paypal,…

Nếu một khách hàng muốn mua một sản phẩm nước ngoài, nhưng lại không nhìn thấy phương thức thanh toán quen thuộc của mình, cô ấy/anh ấy chắc chắn sẽ rời khỏi site của bạn và tìm kiếm ở công ty khác. Thông qua việc cung cấp đa dạng, và đầy đủ các phương thức thanh toán, bạn sẽ tăng khả năng tiếp cận toàn cầu cho sản phẩm của mình, hiển nhiên lợi nhuận cũng sẽ tăng mạnh.

Tập trung vào bảo mật dữ liệu khách hàng

Nếu như bạn đang xây dựng và phát triển việc kinh doanh ra toàn cầu, bạn phải hiểu được tầm quan trọng của việc bảo mật dữ liệu khách hàng, đặc biệt là các giao dịch diễn ra ở nước ngoài. Hiện nay, thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh, đi kèm với lợi ích thì cũng có những mặt bất cập, nhất là vấn đề an ninh mạng.

Khi hàng ngày có hàng trăm nghìn các tài khoản cá nhân bị tiết lộ hay đánh cắp, chính vì vậy, điều mà bất kỳ khách hàng nào quan tâm nhất khi thực hiện giao dịch đó thông tin tài khoản, thẻ tín dụng,… của họ có đang được bảo mật hay không. Người tiêu dùng chắc chắn sẽ không bao giờ thực hiện bất cứ hành động mua/bán trên một website mà họ cho là không an toàn. Bảo mật thông qua Internet luôn là vấn đề lớn làm đau đầu tất cả các doanh nghiệp.

Theo như nghiên cứu của Norton, 40% người mua sắm trực tuyến thông qua mobile tại khu vực khu vực Trung Đông và Bắc Phi là nạn nhân của các tội phạm công nghệ cao. Và 71% được báo cáo là bị tấn công tài khoản tại khu vực của họ. Ngoài ra, người tiêu dùng Châu Âu cũng đang bảo vệ nghiêm ngặt quyền riêng tư của họ trên Internet. Hãy đặt việc bảo mật quyền riêng tư trên website của bạn lên hàng đầu và thể hiện cho khách hàng thấy thông qua việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến, dịch vụ bảo mật hay chuyển đổi sang website sang HTTPS.

Mở rộng hoạt động kinh doanh ra toàn cầu là một thách thức lớn nhưng cũng sẽ là nguồn thu khổng lồ cho doanh nghiệp nếu thành công.

Nguồn: Entrepreneur