Cập nhật 02.08.2020 | Blog
Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, chưa có một định nghĩa chính thức được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để hiểu một cách đơn giản thì kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số. Có những định nghĩa dễ hiểu hơn theo tài liệu của Buhkt and Heeks năm 2017 thì có thể chia thành định nghĩa hẹp, định nghĩa rộng và định nghĩa rộng nhất.
Các phạm vi của định nghĩa về nền kinh tế số.
Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek và Bain công bố, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo này dựa trên bốn lĩnh vực là dịch vụ du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến và dịch vụ ứng dụng gọi xe. Có thể thấy đây cũng là những lĩnh vực đang tăng trưởng rất nhanh khi người dân đang dần ưa chuộng sử dụng những sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng số này.
Bối cảnh đại dịch Covid-19 đã chứng kiến sự sụt giảm trong các chỉ số tăng trưởng của toàn nền kinh tế Việt Nam, các lĩnh vực và ngành hàng đều bị ảnh hưởng lớn tới sự phát triển. Tuy nhiên, đối với ngành thương mại điện tử, các dự báo của chuyên gia vẫn rất lạc quan. Theo một khảo sát khác của Nielsen Việt Nam kết hợp với Infocus Mekong Mobile Panel, hoạt động mua sắm trực tuyến của người dân tăng 25% trong thời điểm dịch bùng nổ trong tháng 3 và tháng 4/2020. Theo dự báo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lĩnh vực này của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD (năm 2019 là 11,5 tỷ).
Chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến chỉ là một trong những xu hướng phát triển bùng nổ trong nền kinh tế số toàn cầu. Trong nhịp độ phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỹ thuật số đang định hình tương lai nền kinh tế của tất cả các quốc gia. Những nước phát triển đang dẫn đầu trong xu thế này, như Mỹ và Châu Âu, giá trị của nền kinh tế số có thể đóng góp tới hơn 6% GDP.
Khi một nền kinh tế số phát triển, những lợi ích được tạo ra sẽ hướng tới tất cả mọi người trong xã hội. Theo Chiến lược kĩ thuật số được công bố bởi Liên minh Châu Âu, tất cả mọi đối tượng trong xã hội sẽ được hưởng những lợi ích từ số hóa, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà còn hướng tới giải quyết những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Xu hướng của nền kinh tế số đang phát triển bùng nổ tại các nước phát triển trên thế giới
Chính phủ Việt Nam nhìn nhận sự chuyển đổi số rộng khắp trên toàn nền kinh tế có vai trò quyết định đối với tăng trưởng và thịnh vượng. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức được "tính sống còn" đối với hoạt động chuyển đổi số. Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội khổng lồ khi trong năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, giá trị đầu tư vào startup công nghệ tại Việt Nam vượt Singapore, vươn lên vị trí thứ 2 tại Đông Nam Á sau Indonesia, chiếm 18% giá trị gọi vốn trong toàn khu vực. Đặc biệt, với Hiệp định lịch sử EVFTA đi vào hiệu lực từ ngày 01/08/2020, Việt Nam cần sẵn sàng cho dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Châu Âu – nơi có ngành kỹ thuật số phát triển thuộc top đầu thế giới.
Kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Châu Âu. Mong muốn cung cấp những thông tin cần thiết về xu hướng này, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã phát động chiến dịch "Going Digital" để nâng cao nhận thức của công chúng Việt Nam về tầm ảnh hưởng của nền kinh tế số trong cuộc sống, từ đó trang bị cho người dân tâm thế sẵn sàng để nắm bắt xu hướng.
Theo CafeBIz
>>> Xem thêm: Du lịch tìm cách vượt khủng hoảng giữa mùa dịch COVID-19