chia sẻ:

AI sẽ phân định tương lai

25/05/2018 03:35 | Thông tin công nghệ

Cuộc trò chuyện như người thật của Google Assistant – trợ lý ảo – đã khiến nhiều người cảm thấy lo ngại cho tương lai.

ai-se-phan-dinh-duong-lai

Google Assistant được xây dựng trên công nghệ Google Duplex, đây là cấp độ phát triển AI tiếp theo.

Tại Hội nghị nhà phát triển thường niên của Google I/O 2018 tại Mỹ, CEO Sundar Pichai đã phát lại một bản ghi âm cuộc gọi qua điện thoại mà ông đã nhờ Google Assistant hẹn lịch cắt tóc hộ mình. Trợ lý ảo khiến người ở đầu bên kia không biết họ đang nói chuyện với một trợ lý kỹ thuật số.

“Ảo” mà như thật

Google Assistant được xây dựng trên công nghệ Google Duplex đây là cấp độ phát triển AI tiếp theo. Google có kế hoạch tiến hành kiểm Duplex lần đầu tiên trong Trợ lý vào mùa hè này với các nhiệm vụ như giúp người dùng thực hiện đặt chỗ nhà hàng, lên lịch hẹn làm tóc và nhắc giờ nghỉ lễ qua điện thoại.

Với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng 4.0, của AI và robot nhiều người đặt ra lo ngại trong tương lai con người sẽ dần mất chỗ đứng trong chuỗi việc làm. Ông Trần Anh Tú, giảng viên trường Học viện Kỹ thuật Mật mã cho biết hiện tỷ lệ lao động robot sử dụng trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu ngày càng gia tăng và chiếm những vai trò chủ đạo trong sản xuất. Đặc biệt trong một số ngành như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm việc sử dụng AI để dự đoán hay xét duyệt hồ sơ tín dụng, hồ sơ bảo hiểm đang ngày càng phổ biến.

Nhưng đây cũng là xu thế tất yếu giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, khi lực lượng và phương tiện sản xuất mới ra đời sẽ dẫn đến sự thay thế các phương tiện và lực lượng sản xuất cũ kém hiệu quả hơn. “Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra dù chúng ta có muốn hay không” – ông Tú khẳng định.

Dùng AI như lợi thế

Đối với việc AI ngày càng thông minh hơn và giống con người hơn, theo ông Tú thì lại là một lợi thế. Bởi với sự phát triển của AI cũng là một bước tiến cho phép con người tiến gần hơn đến việc được giải phóng khỏi những công việc lặp đi lặp lại để chuyển sang làm những công việc mang tính sáng tạo và đột phá hơn, là động lực cho sự phát triển chung của xã hội.

Nhưng cũng có mặt cần xem xét, đặc biệt là vấn đề đạo đức. Đầu tiên là liệu có chấp nhận những kết quả, hay hậu quả mà máy gây ra hay không, liệu khi một Robot gây ra hậu quả nào đó cho xã hội (ví dụ như xe tự lái gây tai nạn liên hoàn làm chết người) vậy thì trách nhiệm trước hậu quả này sẽ là ai? Người chủ sử hữu, người lập trình ra nó hay chính bản thân robot. “Việc quy kết trách nhiệm trong trường hợp này là rất khó, bởi khi máy càng giống con người, chúng ta sẽ càng không thể hiểu được những hành vi tự nhiên của nó” – ông Trần Anh Tú cho biết.

“Nếu không theo kịp chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau. Đặc biệt với Việt Nam đây là cơ hội ngàn năm để nước ta vươn lên, đi tắt đón đầu bởi sự phát triển ở giai đoạn đầu là luôn bình đẳng, tất cả đều mở và tạo điều kiện đủ để chúng ta đi tắt được” – ông Tú cho biết.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp