chia sẻ:

Mùa dịch Corona: Đừng nhìn bức tranh quá tối

Cập nhật 08.02.2020 | Blog

- Ngày 6/2, Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị “Ngành Du lịch ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV)” với sự tham gia của đại diện các Sở Du lịch địa phương, các công ty lữ hành, lưu trú. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chủ trì Hội nghị.
Mùa dịch Corona: Đừng nhìn bức tranh quá tối

bien-phap-phuc-hoi-ngang-du-lich-sau-mua-dich

Thách thức lớn với ngành du lịch

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu đánh giá khách quan, đầy đủ về diễn biến của dịch bệnh nCoV, dự báo mức độ thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra đối với ngành du lịch Việt Nam và đề xuất các giải pháp để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch. Hội nghị cũng nhằm xin ý kiến các đơn vị liên quan trong toàn ngành về dự thảo Kế hoạch ứng phó của ngành du lịch và các giải pháp để phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng cho biết, dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV bùng phát giữa lúc tốc độ tăng trưởng du lịch đang tốt, tháng 1 tăng trưởng cao với 2 triệu lượt khách quốc tế.

Tuy nhiên, ngay đầu năm mới, ngành du lịch đã phải đối mặt với thách thức đầu tiên là sụt giảm lượng khách và doanh thu ít nhất trong quý I và chưa rõ diễn biến tiếp theo. Trong khi đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2020, Chính phủ chưa có sự điều chỉnh nào về mục tiêu tăng trưởng, trong đó có du lịch. Tổng cục Du lịch ước tính con số thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam trong 3 tháng tới lên đến 7,7 tỉ USD nếu không có các giải pháp quyết liệt thu hút khách.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - cho hay: Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch rất phổ biến hiện nay.  Các doanh nghiệp du lịch đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Dịch bệnh theo dự báo sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Tại Hà Nội, lượng khách hủy phòng tính đến ngày 4/2 lên tới hơn 13.000 phòng, tương đương hơn 1,6 vạn khách; các hoạt động vận chuyển giảm 30%-50%.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cho biết: Khách quốc tế đến Đà Nẵng giảm 30%-40%, còn công suất lưu trú khách sạn chỉ đạt khoảng 30%. Quảng Ninh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi thường ngày có khoảng 12.000 khách tham quan vịnh Hạ Long, nay còn 3.000, dự kiến tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Trước đây, trung bình mỗi tháng tỉnh Vĩnh Phúc đón khoảng 500.000 lượt khách, tập trung chủ yếu tại Tây Thiên, Tam Đảo và khách sạn Flamingo Đại Lải. Theo ước tính của ông Nguyễn Xuân Nhâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc, dịch bệnh đang khiến lượng khách giảm đến 40%, hơn 100 khách sạn và hàng trăm nhà nghỉ trong tỉnh thiệt hại nặng.

Còn theo ông Hoàng Văn Tuyên - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai, việc ngừng các tour du lịch đã khiến 15.000 người lao động trực tiếp trong ngành tạm thời thất nghiệp.

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho rằng: Dịch bệnh dự báo sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 và sớm nhất đầu quý IV/2020, du lịch mới trở lại bình thường.

Nên bình tĩnh để tìm hướng giải quyết

Tại Hội nghị, trước khi bàn về giải pháp, nhiều ý kiến nhấn mạnh điều đầu tiên là ngành du lịch cần tránh mất bình tĩnh. Bởi bên cạnh các giải pháp quyết liệt mà Việt Nam đang thực hiện để phòng chống dịch, thì các vùng không có dịch vẫn cần tiếp tục hoạt động, tất nhiên trong sự kiểm soát và đảm bảo an toàn.

Do đó, khi Bộ VH-TT&DL ra công điện yêu cầu đóng cửa các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận được hàng trăm cuộc gọi của các địa phương, doanh nghiệp. “Họ bức xúc vì nếu khách không đến, mọi hoạt động dừng lại là ngành du lịch tê liệt ngay”, ông chia sẻ. Hiệp hội lập tức có văn bản kiến nghị đề nghị điều chỉnh lại văn bản này, và ngày 6/2 Bộ đã “sửa sai”. Do vậy, ông Bình cho rằng, cần tạo ra một không khí bình tĩnh trong ngành, chỉ đạo sát sao nhưng đúng, trúng.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn - cho rằng: Chúng ta đừng nhìn bức tranh quá tối mà cần cân bằng các trạng thái. “Sợ mưa mà mưa chưa đến, cứ cầm ô chạy vòng quanh. Chúng ta còn phải sống, phải làm việc. Cần phân cấp nơi nào bị ảnh hưởng, nơi nào không để hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo các hoạt động ở vùng không có dịch”, bà Xoan kiến nghị.

Theo ông Trần Trọng Kiên - thành viên Hồi đồng tư vấn du lịch (TAB), thống kê nhanh của TAB cho thấy nhiều khách sạn vẫn duy trì được công suất 75-80%. Khách hủy phần lớn là từ Trung Quốc, thị trường Đông Bắc Á, còn thị trường xa hủy rất ít.

Thừa nhận dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV xảy ra là thảm họa với ngành hàng không và du lịch, ông Đỗ Xuân Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho rằng, mặc dù phải dừng toàn bộ các chuyến bay tới Trung Quốc từ 1/2, với gần 40.000 chuyến, nhưng hãng vẫn xúc tiến và mở đường bay mới để thu hút khách, như đường bay mới Hà Nội - New Delhi mở từ 12/2 tới.

Ông Quang khẳng định, cần có thông tin chính thống từ Tổng cục Du lịch, Bộ Y tế, Chính phủ để tránh sự mất bình tĩnh vì ở Việt Nam dịch không phải ở mức độ quá nghiêm trọng và chúng ta đang kiểm soát tốt, do đó không nên phản ứng quá tiêu cực.

Cần có các hoạt động để thúc đẩy du lịch sau mùa dịch

Đề cập đến các giải pháp ứng phó với dịch corona, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết, Tổng cục Du lịch đang xây dựng dự thảo kế hoạch hành động, với các giải pháp cho 2 mốc thời gian: trong khi có dịch, mọi hoạt động vẫn diễn ra, không nhất thiết phải đóng cửa mà kiểm soát an toàn dịch bệnh; sau khi hết dịch, các giải pháp cũng cần thực hiện ngay bây giờ thì tới đây mới có tác dụng.

Từ kinh nghiệm đối phó dịch SARS, ông Lê Hồng Hải - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhận định, đầu 5/2003 khi Việt Nam công bố khống chế được dịch thì đến tháng 7, du lịch nội địa hồi phục, tháng 9 là khách quốc tế, tức chậm hơn một nhịp. Vì thế, Việt Nam nên tập trung quảng bá cho giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại có dịch thì thông tin phải vừa đúng, vừa đủ và chính xác, nhất quán và kịp thời. Giai đoạn sau dịch, cần xây dựng kịch bản kỹ để thu hút khách đến Việt Nam thay vì đi nước khác, bởi thường khi hết dịch là thị trường du lịch bùng nổ.

Ông Trần Trọng Kiên cho biết, theo nghiên cứu của TAB, tại Việt Nam sau các đại dịch, khủng hoảng, thị trường xa phục hồi nhanh nhất là Anh (3 tháng), Úc, châu Âu (6-10 tháng), Mỹ (12-16 tháng),… nên ưu tiên tập trung tiếp thị, trấn an khách rằng Việt Nam là điểm đến, sau đó tiếp tục xúc tiến quảng bá để thu hút khách Trung Quốc.

Song, đại diện Tập đoàn Sungroup kiến nghị việc quảng bá phải tiến hành ngay, doanh nghiệp không thể chờ đến quý IV khách hồi phục. Do vậy mà cuối tháng 3, tập đoàn này phối hợp cùng phía hàng không, các đối tác dịch vụ ra sản phẩm kích cầu dành cho thị trường nội địa. “Chỉ cần hết dịch, 1 tuần sau khách trong nước đã có nhu cầu du lịch”, vị này nói.

bien-phap-thuc-day-du-lich-viet-nam-sau-mua-dich

Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Việt Nam đã vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng tương tự, như dịch SARS,... và khách nội địa vẫn có nhu cầu đi du lịch, do đó song song với việc quảng bá xúc tiến cần phối hợp kích cầu du lịch bởi vừa qua “chúng ta khủng hoảng tinh thần rất lớn”.

Ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, lưu ý, việc quảng bá xúc tiến cần tạo sự thân thiện với khách, không kỳ thị với khách. Hiện còn trên 2.000 người Trung Quốc ở Khánh Hòa, nên tránh hành vi xua đuổi mà tiếp tục đón tiếp có kiểm soát để tạo hình ảnh đẹp, qua đại dịch khách quay trở lại Việt Nam nhiều hơn.

Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng dịch corona xảy ra còn là cơ hội để ngành du lịch nhìn lại mình, đầu tiên là rà soát lại cơ sở vật chất, nâng cấp chất lượng dịch vụ để chuẩn bị đón khách tăng trưởng mạnh sau dịch; hơn nữa là đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực và ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch.

Xem thêm: Xây dựng Website du lịch mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp?

                  Vai trò của Phần mềm đối với các hoạt động vận hành trong doanh nghiệp du lịch

Về chính sách hỗ trợ cho ngành, đại diện Hiệp hội Du lịch kiến nghị: Giảm thuế VAT 10% xuống 5% trong 6 tháng; lùi nộp thuế VAT thêm 6 tháng, tức là đến sang năm; miễn lệ phí visa cho tất cả các thị trường.

Ông Ngô Hoài Chung cho biết sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch. Trong khi đó, Thứ trưởng Lê Quang Tùng thông tin sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu. "Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ miễn lệ phí visa đối với du khách trong 6 tháng hoặc từ nay đến cuối năm để thu hút khách ở những thị trường cấp visa" - ông Tùng nói.

Khi thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam là Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh, ngành du lịch dự kiến mở rộng thị trường có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ. Tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada, nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ.

Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa. Tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch cũng đề xuất UBND các tỉnh, thành xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1-2 tháng để kích cầu du lịch sau khi dịch nCoV được kiểm soát.

Theo KTNN

 

Đăng ký ngay để cập nhật những thông tin mới nhất từ VietISO 

(*) là thông tin bắt buộc mà bạn phải nhập