chia sẻ:

Facebook, Instagram, Twitter - công cụ chiến lược phát triển du lịch 2017

16.01.2017 | Sale & Marketing

Theo ông Đức - Vụ trưởng Thị trường Tổng cục Du lịch, chiến lược e-marketing (tiếp thị trực tuyến) sẽ là một trong những bước đi, cú hích góp phần tăng trưởng đáng kể cho du lịch trong năm 2017. Với chiến lược đó, Facebook, Instagram, Twitter sẽ là những công cụ khai thác tiềm năng nhất mà các doanh nghiệp du lịch không thể bỏ qua nếu muốn bắt kịp đà phát triển.
Facebook, Instagram, Twitter - công cụ chiến lược phát triển du lịch 2017

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Thị trường Tổng cục Du lịch cho rằng, tiềm năng du lịch Việt Nam còn rất nhiều song cũng không nên nóng vội khi một số nơi chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Theo số liệu từ Tổng Cục du lịch Việt Nam, năm 2015, khách quốc tế đến Singapore đạt 15 triệu, Thái Lan đạt 25 triệu trong khi Việt Nam chưa tới 8 triệu người. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nhiều hang động lớn và đẹp, bãi biển dài được xếp hạng nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài yếu tố kém về nguồn lực khi đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam chỉ khoảng 2 triệu USD/năm, bằng 2,9% sự đầu tư của Thái Lan, 2,5% của Singapore, 1,9% của Malaysia, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Thị trường Tổng cục Du lịch cho rằng, chỉ có cách đi mới, tập trung nguồn lực mới mới giúp Việt Nam đuổi kịp các nước lân cận.

Trong đó, theo ông Đức, chiến lược e-marketing (tiếp thị trực tuyến) sẽ là một trong những bước đi, cú hích góp phần tăng trưởng đáng kể cho du lịch trong thời gian tới.

Facebook, Instagram, Twitter là công cụ khai thác tiềm năng du lịch


Chào ông, ông có thể nói rõ hơn về chiến dịch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam của Tổng cục trong thời gian gần đây?


(Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Thị trường Tổng cục Du lịch Việt Nam.)


Thời gian gần đây, ngoài cách truyền thống, Tổng cục du lịch đã có những hoạt động đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng e-marketing. Mới đây nhất, Tổng cục cùng với Công ty TNHH Hành Trình Việt (Vntrip.vn) đã phát động chương trình quảng bá du lịch mang tên #WhyVietnam.

Theo đó, người tham gia sẽ chia sẻ những hình ảnh đẹp nhất về Việt Nam trên mạng xã hội với hashtag #WhyVietnam và kèm lời tựa đề cảm xúc vì sao tôi yêu Việt Nam, hay vì sao tôi chọn Việt Nam là điểm đến.

Người tham dự còn có cơ hội hội trúng 1 trong 5 giải thưởng bằng các chuyến đi du lịch trị giá từ 10-50 triệu đồng khi up ảnh trên trang whyvietnam.com hoặc fanpage từ 30/11-20/12/2016.

Tất cả các đối tượng đều được tham gia.

 

Chương trình này liệu có khả thi khi trước đó, Tổng cục cũng từng kết hợp với DN phát động chương trình Super-selfie nhưng dường như chưa hiệu quả?

#WhyVietnam là chương trình nhằm phát động quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam đến người dân và bạn bè quốc tế. Đây là một phần trong chiến dịch xúc tiến quảng bá du lịch, một phần trong chiến dịch e-marketing nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Chiến dịch lần này là một trong những mô hình xã hội hóa thu hút được rất nhiều khách du lịch, bạn bè, cộng đồng tham gia.

Còn về Super-selfie hay các chương trình trước đó, chúng tôi sẽ xem lại hiệu quả đề đưa ra những điều chỉnh, đổi mới. Song đây là những ý tưởng hay và chúng tôi hoan nghênh tất cả các ý tưởng.

 

Được biết kinh phí dự kiến triển khai cho ý tưởng, giải pháp e-marketing trong năm 2016 là 1 tỷ đồng, hiện chúng ta đã làm đến đâu?

Tổng cục du lịch nhận thấy, những hoạt động xúc tiến quảng bá không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan địa phương mà còn ở mỗi DN. Bên cạnh đó, cũng cần huy động nguồn lực xã hội hóa, bạn bè, người dân, khách du lịch… cộng hưởng lại thì nguồn lực nó mới tăng lên được.

Rõ ràng, trong thời gian vừa qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng rất mạnh. Và thông qua các chương trình, chúng tôi đã nhận được những feeeback (phản hồi) rất tích cực cũng như đóng góp từ cộng đồng tham gia chương trình.

Do nguồn lực có hạn nên chúng ta phải đổi mới cách làm như xã hội hóa nhiều hơn, không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách của Nhà nước, Chính phủ mà chúng ta phải huy động từ cả các DN, các bên đối tác để cộng hưởng.

Tôi tin rằng những chương trình như #WhyVietnam sẽ thu hút khách du lịch, và tất cả mọi người cùng tham gia các xúc tiến du lịch, quảng bá những điểm đến của Việt Nam một cách tốt nhất.

Quảng bá xúc tiến du lịch e-marketing rất quan trọng. Vừa rồi Tổng cục xây dựng một trang web mới và đã được khách quốc tế rất đón nhận.

Có thể nói, công nghệ mạng xã hội có sức mạnh ghê gớm, nếu chúng ta khai thác hiệu quả thì đây là một trong những hoạt động từng bước khai thác sức mạnh đó. Do đó, việc đẩy mạnh các chương trình thực tế thông qua Facebook, Instagram, Twitter... sẽ là cách để chúng ta khai thác sức mạnh đó.

(Nguồn ảnh: Internet.)


Đáp ứng được "cầu" rồi mới thúc "cung"


Vừa rồi Quốc hội có đề cập đến vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực ngành trong đó có du lịch. Theo ông, đâu là những nguyên nhân khiến việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay còn thiếu và yếu?

Câu chuyện đầu tiên khi nói đến du lịch là nguồn nhân lực. Đây là khâu cần thực sự chú ý, luôn luôn đặt lên hàng đầu trong tất cả hoạt động để đảm bảo hiệu quả.

Trong bối cảnh du lịch VN phát triển nhanh, hội nhập thì nguồn lực trong du lịch càng cần phải chú ý hơn nữa bởi Chính phủ, các cơ quan Nhà nước, các trường đều rất quan tâm. Thực ra, chúng tôi nghĩ đào tạo nghề du lịch hiện nay ở Việt Nam rất tốt. Tốt ở chỗ, hệ thống khách sạn 4, 5 sao phục vụ khách rất tốt. Vừa rồi lượng khách sạn ở VN được đưa vào hoạt động tăng trưởng rất nhanh, lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu đấy.

Bên cạnh đó, khi tham gia ASEAN, chúng ta cùng các nước thành viên đều nâng cao đào tạo. Quá trình đào tạo cần có những định hướng phát triển nguồn nhân lực, có những chiến lược, tiêu chuẩn nghề, hệ thống mạng lưới các trường đào tạo, đặc biệt là các trường đào tạo tại chỗ, thừa nhận những kỹ năng nghề mà có thể thông qua các hoạt động thực tế.

 

Khi gia nhập ASEAN, nguồn nhân lực của chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà thì sao, thưa ông?

  Trong ASEAN, Việt Nam cùng với các nước ký một thỏa thuận hỗ trợ ngành nghề. Nghĩa là khi thực hiện đầy đủ những thỏa thuận ấy thì chúng ta có thể rất dễ dàng tuyển dụng lao động của các nước, cũng như lao động VN cũng rất dễ dàng xin việc ở nước khác. Việc dịch chuyển lao động cũng rất dễ dàng.

Như vậy ASEAN là câu chuyện thế giới phẳng và lúc đó, chúng ta không phải nghi ngại về chuyện đó nữa. Tuy nhiên, song hành với việc này thì mỗi trường phải đáp ứng nguồn nhân lực mà họ đào tạo. Và nếu người lao động đó không đáp ứng được thì chúng ta có thể thuê những người nước ngoài, ngược lại người Việt Nam đáp ứng được họ có thể đi xin việc được ở nước ngoài.

Chúng tôi nghĩ rằng, mặt bằng về chất lượng đội ngũ nhân lực sẽ từng bước hội nhập với khu vực.

 

Không thể phủ nhận về công tác xúc tiến quảng bá du lịch trong năm qua khi trong 11 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt mốc của cả năm 2015. Song để theo kịp các nước trong khu vực là bài toán khó, vậy chúng ta cần cải thiện bằng cách nào?

Đúng là năm nay khách quốc tế đến Việt Nam rất nhiều. Thành công không chỉ từ cái tích cực trong công tác xúc tiến quảng bá mà đấy là kết quả của tất cả toàn ngành: các điểm đến nâng cao chất lượng phục vụ, mỗi doanh nghiệp nâng cao chất lượng cạnh tranh và tích cực hơn trong việc quảng bá giới thiệu sản phẩm...

Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, khách đến Việt Nam cũng chưa phải là cao. Chúng ta vẫn còn kém xa Malaysia và Singapore.

Tôi nghĩ là những thời gian tới, các điểm đến phải nâng cao chất lượng dịch vụ hơn nữa để lượng khách vào nhiều hơn nữa, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, góp thêm nhiều vào GDP của cả nước, đúng với Chính phủ đã đề ra: “Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”.

 

Nguồn tài nguyên du lịch của Việt Nam là rất lớn, nguyên nhân nào mà nước ta chưa thực sự thu hút khách nước ngoài, đặc biệt khách trong khu vực Đông Nam Á?

Đúng là rất nhiều đánh giá cho rằng du lịch VN có tiềm năng phong phú chưa khai thác, nhưng quả thực nhìn lại du lịch VN thời gian qua có những bước phát triển rất tốt.

Trong 10 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,077 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015; khách du lịch nội địa ước đạt 53,3 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 331.500 tỷ đồng, tăng 19,1%.

Định hướng của du lịch là phát triển bền vững. Chúng ta khai thác tiềm năng một cách hiệu quả nhất, làm thế nào để có sản phẩm nổi trội, cạnh tranh.

Bên cạnh việc phát triển vẫn phải đảm bảo giữ được môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội. Phát triển phải nhìn đến khả năng cung ứng dịch vụ, quản lý và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây mới là phát triển bền vững.

Tuy nhiên, còn có những cái chúng ta trăn trở là làm sao khai thác du lịch sẽ tác động đến môi trường, con người, xã hội…

Chúng ta phải có những ưu tiên nhất định, trong một giai đoạn nhất định, chúng ta phải tập trung khai thác sản phẩm nào trong giai đoạn hiệu quả nhất, tạo bước phát triển nhanh nhất chứ không phải là tất cả các tiềm năng này chúng ta đều nên làm, ngay một lúc cố gắng thu hút khai thác cùng một lúc được.

Trong câu chuyện khai thác các tiềm năng ấy, chúng ta phải tính đến khả năng quản lý, xây dựng để phát triển, tạo sản phẩm có sức thu hút, sản phẩm có thể bán được, khách tới chúng ta có thể sẵn sàng tiếp khách hiệu quả, nghĩa là làm cho khách hài lòng, họ đi và sẽ quay lại, ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Nhiều điểm ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và chúng ta cũng không sốt ruột khi ngay trong ngày mai, tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác mà chúng ta hãy từng bước khai thác một.

Cảm ơn ông!

Mỹ Lan

(Theo Trí Thức Trẻ / CafeBiz)