chia sẻ:

Sản phẩm nào cho du lịch Tp Hồ Chí Minh?

04/09/2018 06:18 | Thủ thuật - Tips

Hai tháng trước, bà Hoàng Thị Phong Thu, một doanh nhân chuyên làm dịch vụ cho du khách Nga, dành đến mấy ngày khảo sát hàng loạt vườn trồng lan ở Củ Chi (TPHCM) để tìm điểm tham quan mới.

Sau nhiều năm đưa người Nga đến TPHCM du lịch, chương trình tour đã cũ buộc nhà tổ chức phải tìm cái mới cho khách hàng, nhưng những điểm đến và dịch vụ mới mà ngành du lịch thành phố giới thiệu chưa đủ “nặng” để doanh nhân này đưa vào tour nên phải tự đi tìm.

“Du khách Nga không thích đi xem phố vàng bạc, phố Đông y mà lại thích đến các vườn trồng trái cây nhiệt đới và những vườn trồng lan như thế này”, bà nói và cho rằng, nếu làm khéo thì những vườn lan ở Củ Chi không những trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho du khách mà còn gia tăng được giá trị xuất khẩu hoa bởi ngày càng nhiều khách Nga mua hoa lan gửi về nước sau chuyến du lịch Việt Nam.

Câu chuyện tìm sản phẩm của doanh nhân trên phần nào thể hiện một vấn đề còn tồn tại của ngành du lịch TPHCM. Đó là, trong khi doanh nghiệp đang “khát” sản phẩm để chào bán và luôn than phiền là dịch vụ, điểm tham quan ở thành phố ít, cũ, chưa hấp dẫn thì những cái mới vừa được ngành du lịch chào hàng như các con phố chuyên doanh vàng bạc, Đông y, phố đi bộ, tour đường thủy... lại chưa được nhiều doanh nghiệp đưa vào tour.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, như sản phẩm mới chưa đi kèm với những dịch vụ phụ trợ để trở nên sống động, chưa gắn với thị trường... Chẳng hạn, với phố vàng bạc, nhiều khách du lịch không có nhu cầu mua vàng, bạc hay trang sức mà cần tham quan, trải nghiệm không khí của một khu chuyên doanh, nhưng hầu hết những cửa hàng lại không có thợ chế tác tại chỗ, không có dịch vụ du lịch, thậm chí nhà vệ sinh cũng không đủ... Mới đây, một doanh nghiệp mở điểm dịch vụ cho du khách trải nghiệm nghề thợ bạc trên con phố này nhưng diện tích nhỏ, không đủ cho những đoàn khách lớn ghé vào.

Trong cuộc tọa đàm “Công tác quản lý nhà nước về du lịch của TPHCM - 25 năm thành công và thách thức”, do Sở Du lịch TPHCM tổ chức vào tuần trước, vấn đề tạo sản phẩm phải gắn với thị trường, phải hiểu doanh nghiệp và du khách cần gì để đáp ứng thay vì cứ làm sản phẩm chung chung, cũng được doanh nghiệp nhắc đến nhiều lần.

Theo đó, bên cạnh nhóm khách hàng truyền thống, với nhóm khách hàng mới, ngành du lịch cần xác định lại thị trường, có những định hướng chiến lược và phương pháp tiếp cận rõ ràng hơn. Thành phố cũng cần nghiên cứu thị trường từ dữ liệu lớn để xác định các nhóm khách hàng có tâm lý và hành vi du lịch mà các sản phẩm du lịch của địa phương có thể đáp ứng được, nếu không sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng sản phẩm thì cứ liên tục đưa ra nhưng doanh nghiệp thì cứ than không có gì để bán.

Với việc tạo sản phẩm mới, một số doanh nhân đề nghị phải nhanh chóng đầu tư các trung tâm mua sắm lớn để phát triển mảng du lịch mua sắm nhằm thu hút du khách quay lại nhiều hơn, đầu tư dịch vụ giải trí vào ban đêm... Thêm vào đó, thành phố hợp tác với các địa phương để phát triển những sản phẩm du lịch vùng, như có thể hợp tác với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, với Tây Ninh để phát triển những sản phẩm về di tích lịch sử, hay bắt tay với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hướng đến du lịch xanh...

“Tuy nhiên, dù là sản phẩm nào thì điều quan trọng vẫn là phải xác định rõ thị trường thì mới định hướng đúng sản phẩm phù hợp”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nói trong cuộc tọa đàm.

Một doanh nhân khác, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, lại gợi ra cách nghĩ khác để xây dựng sản phẩm. Đó là, không chỉ tập trung vào việc tạo những sản phẩm mới hoàn toàn mà làm tốt hơn, gia tăng giá trị và chất lượng dịch vụ của những sản phẩm hiện hữu.

“Tại sao những khu vực trung tâm, nơi có những điểm tham quan chính như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố lúc nào cũng nhộn nhịp? Vì nhiều du khách vẫn muốn đến đó nên điều chúng ta cần làm là phải gia tăng chất lượng dịch vụ, làm cho môi trường, vệ sinh ở đó tốt hơn để họ thích thú hơn”, ông nói và dẫn câu chuyện về sức hấp dẫn của tháp Eiffel với khách du lịch làm ví dụ cho việc làm sản phẩm mới dựa trên thế mạnh hiện hữu. Mỗi năm, du khách trên khắp thế giới vẫn đổ về đây tham quan không chỉ vì đó là một trong những biểu tượng của nước Pháp mà còn bởi sức hấp dẫn từ sự thay đổi về cách trang trí, chiếu sáng ngọn tháp này.

Doanh nhân này gợi ý, cùng với việc làm cho khu vực trung tâm sạch, đẹp hơn, thành phố nên quy hoạch lại khu vực này, nối qua khu vực Đồng Khởi để tạo thành một tuyến đường tham quan và mua sắm cao cấp. Thêm vào đó, ngành du lịch cũng nên nghiên cứu các khảo sát về những điểm tham quan mà du khách cho rằng phải đến, phải tham quan ở TPHCM và tăng cường chất lượng dịch vụ tại đó để làm du khách hài lòng hơn. “Những việc này sẽ giúp thành phố có những sản phẩm hấp dẫn dựa trên lợi thế sẵn có, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng sức hấp dẫn cho du lịch”, ông Tài nói.

* Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn