chia sẻ:

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn loay hoay phát triển du lịch

28/08/2018 02:55 | Marketing

Thiếu chiến lược, thiếu quy hoạch phát triển là nguyên nhân chính khiến du lịch thành phố Hồ Chí Minh dù có bước tiến lớn trong 2 năm qua nhưng vẫn còn loay hoay, chưa tạo nên thương hiệu, bản sắc riêng.

>>>> Xem thêm: Thành phố Hồ Chí Minh lọt top 10 điểm đến châu Á 2018

Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại tọa đàm “Công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP.HCM - 25 năm thành công và thách thức” do Sở Du lịch tổ chức sáng 16/08.

Sản phẩm nhiều nhưng mờ nhạt

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, khẳng định TP.HCM sở hữu quá nhiều sản phẩm, nhiều đến mức không biết phải làm gì, không biết cần đẩy cái nào trở thành sản phẩm đặc trưng, đặc thù. Cũng vì chưa có nghiên cứu cụ thể, rõ ràng nên trong những năm qua, dù Sở Du lịch TP đã nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch nhưng hầu hết đều sai hướng.

Cụ thể, được kỳ vọng là nơi “hút” du khách, nhưng sau 1 năm đi vào hoạt động, phố đi bộ Bùi Viện đã trở thành “phố nhậu”, “phố ngồi”. Các sản phẩm như ẩm thực đường phố, biểu diễn nghệ thuật đường phố, sự kiện văn hóa quần chúng mà qua đó khách du lịch có thể cảm nhận được văn hóa, truyền thống, nét đặc sắc của TP.HCM nói riêng, cũng như VN nói chung, hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Tình trạng cũng xảy ra tương tự với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Giờ khách đến TP muốn xem xiếc, ca nhạc cũng không biết đi đâu, đến chỗ nào.

Hay như định hướng phát triển du lịch đường sông, TP đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, nhưng thực tế doanh nghiệp cứ đầu tư vào đường sông là lỗ, sản phẩm chưa thu hút được sự quan tâm của du khách.

“TP cần nhanh chóng có thống kê, đánh giá, định hướng để quy hoạch thị trường, từ đó phân loại sản phẩm. Nếu không phân tích kỹ sẽ dẫn đến kẹt sản phẩm, đánh mất thị trường, lỡ thời cơ phát triển”, ông Kỳ cảnh báo. Đồng tình, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá các sản phẩm du lịch tại TP.HCM đang theo kiểu “bình mới rượu cũ”, các tuyến điểm, chương trình tour được thay tên, quảng cáo mới nhưng bản chất nội dung vẫn vậy. Điều này bắt nguồn từ việc các đơn vị kinh doanh lữ hành đang dừng lại ở mức thỏa mãn, khai thác những cái cũ theo cơ hội của thị trường là chính, chứ chưa sáng tạo.

Bà Thúy cũng lưu ý phải đồng thời xây dựng được thương hiệu điểm đến, định vị thương hiệu và định vị sản phẩm du lịch phải đồng nhất. Bà gợi ý TP.HCM cần xây dựng những tour du lịch ngắn có chủ đề, mỗi chủ đề cần một số sản phẩm nổi trội gắn với một số giá trị cốt lõi, mang bản sắc của TP. Không xây dựng sản phẩm kiểu dàn trải, nhiều nhưng mờ nhạt như hiện nay.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, thông tin chiến lược phát triển du lịch của TP Sở đã làm nhưng chưa đảm bảo yêu cầu về mặt chất lượng nên hiện UBND TP đang có chủ trương làm lại. Hiện Sở Du lịch đang kêu gọi, thuê tư vấn nước ngoài cùng tham gia, dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành công tác này.

Thiếu chiến lược phát triển

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá một trong những nguyên nhân quan trọng khiến du lịch TP.HCM vẫn chưa phát triển tương xứng với vị thế là do thiếu định hướng từ quản lý nhà nước. Cụ thể, dù được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước nhưng TP lại đi sau nhiều địa phương về xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Trong bối cảnh luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 xóa bỏ quy hoạch ngành ở cấp tỉnh, nhưng TP đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030. Các chính sách tạo đột phá để đưa TP trở thành điểm đến không ngủ, tạo những sản phẩm đặc thù, quản lý môi trường du lịch... cũng chưa thành hình.

PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng: “Sở Du lịch thực sự phải gấp rút hoàn thành chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch của TP”.

Hà Mai

Nguồn: Thanh Niên