chia sẻ:

Chuyển đổi số: Sự sống còn của ngành du lịch Việt Nam

03/02/2023 07:51 | Giải pháp

Các tác động của COVID-19 và công nghệ 4.0 đang ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực trong cuộc sống. Để phục hồi và đi kịp với những thay đổi đó, nhiều ngành công nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số. Ngành du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ, sự chuyển mình này không chỉ là hòa nhập vào xu thế toàn cầu mà còn là giải pháp cần thiết để bảo vệ sự sống còn của ngành.

1. Thực trạng của ngành du lịch hiện nay

Trong lịch sử hình thành và phát triển của ngành du lịch lữ hành, nó đã được điều hành bởi các doanh nghiệp du lịch truyền thống và rất ít số các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trong kinh doanh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp du lịch trên thế giới không đủ linh hoạt để đáp ứng xu hướng mới và phải đóng cửa. Trong đó, The Travel Group, một trong những doanh nghiệp du lịch lâu đời nhất thế giới, là ví dụ điển hình. Vào tháng 9/2019, đế chế này đã sụp đổ sau 178 năm hoạt động. Một trong những nguyên nhân lớn khiến cho sự sụp đổ này là sự bùng nổ của mô đại lý du lịch trực tuyến như Booking, Agoda, Expedia, Traveloka,....

Mặt khác, năm 2020, sự lan rộng của đại dịch Covid-19 đã tạo ra một thảm họa cho ngành du lịch, giảm doanh thu từ 80 đến 90%.  Nhiều chuyến đi phải hủy bỏ, đặc biệt là vì các lệnh phong tỏa kéo dài. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam giảm 78,7% so với năm trước, chỉ còn 3,8 triệu lượt. Thực trạng đáng buồn này đã trở thành một cảnh báo cho ngành du lịch rằng cần phải có những giải pháp linh hoạt và phát triển bền vững hơn. 

COVID-19 ảnh hưởng đến ngành du lịch
COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch

2. Chuyển đổi số: giải pháp cấp bách cho ngành du lịch Việt Nam

Từ hai thực trạng kể trên, có thể thấy rằng tính cấp bách của việc tận dụng công nghệ trong ngành du lịch chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Chuyển đổi số cung cấp các công cụ, khuôn khổ và công nghệ để tạo và gia tăng giá trị cho các sản phẩm cũng như trải nghiệm du lịch.  Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp du lịch giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn, đưa quyết định nhanh và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo kịp thời và minh bạch, tối ưu hóa năng suất làm việc của người lao động… Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.Tuy nhiên, sự thành công của số hóa phụ thuộc vào khả năng chia sẻ, học hỏi và cộng tác của ngành du lịch. Câu hỏi đặt ra hiện nay là ngành du lịch có thể tận dụng công cụ công nghệ một cách chính xác như thế nào?

Giải pháp cho ngành du lịchChuyển đổi số là giải pháp cho ngành du lịch

3. Ứng dụng công nghệ để tăng trải nghiệm của khách du lịch

3.1. Ứng dụng, thực tiễn của chuyển đổi số trong ngành du lịch

Ứng dụng mobile

Khách hàng hiện nay tìm kiếm sự tiện lợi để giảm thời gian, do đó, doanh nghiệp cần tối ưu hóa trải nghiệm người dùng bằng cách cho phép truy cập dữ liệu liên tục thông qua các ứng dụng di động. Một ví dụ tiêu biểu là ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn", nó hoạt động như một bản đồ du lịch kỹ thuật số, cung cấp cho người dùng thông tin về những địa điểm như nhà hàng, khách sạn, căn hộ, địa điểm giải trí, bệnh viện, và hiệu thuốc.

Ứng dụng mobileỨng dụng mobile giúp khách du lịch tiết kiệm thời gian

Công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality)

Để giảm chi phí du lịch và cung cấp trải nghiệm tiết kiệm thời gian cho khách hàng, các tour du lịch sử dụng công nghệ VR đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là trong thời kỳ giới hạn đi lại vì dịch bệnh. Tại nước ta,  dự án "Một chạm đến Đà Nẵng", mặc dù vẫn chỉ ở giai đoạn đầu, đã chứng minh sức hấp dẫn của hình thức du lịch này với hơn 18.000 lượt trải nghiệm. 

VR tour
VR tour ngày tràng trở nên phổ biến

Trí tuệ nhân tạo AI và chatbot

Trí tuệ nhân tạo (AI) và các chatbot đang trở thành một trong những công cụ hỗ trợ quan trọng cho các doanh nghiệp du lịch. Sự tích hợp của các công nghệ này tạo ra nhiều tiện ích cho khách hàng, từ việc tìm kiếm và đặt chỗ, tới việc hỗ trợ tại các điểm đến. Chatbot có thể trả lời nhanh chóng các câu hỏi của khách hàng và giúp họ tìm kiếm thông tin cần thiết, trong khi AI có thể phân tích dữ liệu và cung cấp các gợi ý hoặc dự đoán về nhu cầu và mục đích du lịch của khách hàng.

Chatbot và AITrí tuệ nhân tạo AI và chatbot được sử dụng rộng rãi trong ngành du lịch

Thuyết minh tự động và QR

Cùng với doanh nghiệp, các điểm đến cũng đang tập trung chuyển đổi thành kỹ thuật số để cung cấp trải nghiệm dễ dàng và an toàn cho khách du lịch, chẳng hạn như hệ thống thuyết minh tự động (tại Hỏa Lò, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Kinh thành Huế,..), sử dụng mã QR để giới thiệu các hiện vật (tại Bảo tàng Dân tộc Học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám,..). 

QR codeQR code mang lại trải nghiệm du lịch dễ dàng

3.2. Ứng dụng chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp dịch vụ, du lịch

Theo kết quả nghiên cứu của Microsoft và IDG, tác động của chuyển đổi số tới GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng nhanh từ 6% vào năm 2017 đến 25% năm 2019. Nghiên cứu của McKensey cũng chứng tỏ rằng, tác động của chuyển đổi số tới GDP sẽ tiếp tục tăng vào năm 2025, với mức độ tăng trưởng tại Mỹ là 25%, Brazil là 35% và các nước châu Âu khoảng 36%. Như vậy, không có gì phải bàn cãi về vai trò của chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp ngành du lịch. 

Số hóa cho phép doanh nghiệp du lịch  hoạt động hiệu quả, chính xác và hiệu quả hơn. Đối với doanh nghiệp nhỏ, mở rộng quy mô đồng nghĩa với tăng nguồn nhân lực và khối lượng công việc, dễ dẫn đến xung đột và đe dọa tiến độ, mục tiêu của tổ chức nếu không áp dụng đúng quy trình, tiêu chuẩn. Trong khi đó, các quy trình phức tạp như quản lý bán hàng,marketing, vận hành, kết nối đối tác, kế toán và thanh toán thường phổ biến ở các doanh nghiệp du lịch quy mô vừa và lớn. Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số có thể chuẩn hóa các quy trình này, tăng năng suất và hiệu quả. 

Trước đây  khi chưa có các phần mềm quản lý, các phòng ban làm việc rời rạc và chỉ chịu trách nhiệm cho công việc của mình, dẫn đến sai sót và việc chọn nhà cung cấp không đảm bảo  chất lượng. Sử dụng phần mềm giúp các bộ phận dễ dàng giám sát, kiểm tra và đối chiếu thông tin. Từ đó, quy trình hoạt động của doanh nghiệp du lịch sẽ trở nên chính xác, minh bạch hơn. 

Chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệpChuyển đổi số giúp vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn

4. Khuyến nghị về giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng cần thiết trong ngành du lịch, tuy nhiên song hành với nó là những thách thức về nguồn lực, dữ liệu. Để thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần đầu tư mức độ lớn về máy móc, hệ thống quản lý, và đào tạo. 

Do đó, trước khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải có những nghiên cứu cụ thể và trả lời được các câu hỏi như chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề gì?, để chuyển đổi số thì doanh nghiệp cần phải thay đổi những gì? Mặt khác, các chủ doanh nghiệp cũng cần nhìn vào tổng thể quy trình vận hành để có những ứng dụng, thay đổi phù hợp nhất với định hướng doanh nghiệp của mình chứ không nên xuất phát từ những nhu cầu đơn lẻ. 

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, chuyển đổi số chính là sự sống còn, là tương lai của ngành du lịch. Điều đó có nghĩa là dù  ở quy mô lớn hay nhỏ, nếu doanh nghiệp không thay đổi, không hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số thì sẽ bỏ lại trên đường đua của ngành công nghiệp không khói giống như cách mà hàng loạt các doanh nghiệp phải đóng cửa trong và hậu đại dịch COVID-19.