22/11/2017 03:46 | Danh mục tin tức
Công ty nghiên cứu thị trường của Anh Euromonitor cho biết, số lượng giao dịch bằng smartphone đã tăng lên 50% ở 6 nước Đông Nam Á. Con số này sẽ chạm ngưỡng 70% trong năm 2021, ngay sát 80% của Nhật Bản và Mỹ. Thanh toán di động không chỉ có khả năng rút tiền từ tài khoản ngân hàng, mà nó còn cho phép người dùng ví ảo của mình để ghi nợ, kể cả ở những cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa – nơi ít ai có thẻ ngân hàng.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2014 ở Philippines và Indonesia chỉ có 30% dân số có thẻ ngân hàng, con số ấy ở các nước Đông Nam Á (ngoài Singapore và Malaysia ra) còn nhỏ hơn rất nhiều. Khi các dịch vụ tài chính truyền thống không tìm được tiếng nói chung nơi người dùng, thì thanh toán điện tử hứa hẹn sẽ thống trị khu vực này.
Đông Nam Á – nơi cư ngụ của gần 600 triệu người, được kỳ vọng sẽ có tổng số tiền dành cho chi tiêu cá nhân lên tới 2,3 nghìn tỷ USD trong năm 2020, theo nhận định của Accenture. Còn Euromonitor dự đoán rằng đến năm 2021 giá trị toàn bộ những giao dịch bằng thanh toán di động sẽ đạt 32 tỷ USD – gấp 10 lần năm 2013.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ấy
Theo ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Giám đốc ngành hàng thiết bị động Samsung Việt Nam nếu năm 2013, chỉ 20% dân số dùng smartphone thì nay, tỉ lệ người sử dụng smartphone tại các thành phố chính đã tăng trưởng mạnh lên 84% vào năm 2017. Tính đến hết quý 2/2017, tại Việt Nam có tổng cộng hơn 110 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành. Đây là một con số khá ấn tượng và theo dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến là 150 triệu thẻ trong năm 2018, chủ yếu tập trung ở người tiêu dùng trẻ tuổi.
Những con số này là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển và tiềm năng của thanh toán di động cũng như các dịch vụ tài chính thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Giám đốc ngành hàng thiết bị động Samsung Việt Nam
Thậm chí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn phát biểu chỉ đạo trước Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam tổ chức vào 6/11 vừa qua rằng: “Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020".
Muốn làm được điều đó, chúng ta cần bắt đầu như thế nào? Samsung Pay có lẽ là câu trả lời mới nhất và phù hợp nhất với người Việt. Ra mắt vào tháng 9 vừa qua, Samsung Pay nhanh chóng được người Việt đón nhận nồng nhiệt. Theo ông Nguyễn Quang Hiền Huy thì tốc độ phát triển của ứng dụng này tại Việt Nam nằm trong top các nước có phản ứng thị trường tốt. Tính đến nay, đã có khoảng 100 nghìn người đăng ký và sử dụng Samsung Pay cùng 50.000 thẻ đăng ký lên ứng dụng chỉ sau hơn 1 tháng triển khai.
Cho đến nay, với công nghệ độc quyền MST (LoopPay), cùng với công nghệ NFC, có thể nói Samsung Pay là phương thức thanh toán di động có tỉ lệ chấp nhận rộng rãi nhất trên thế giới do Samsung Pay cho phép thanh toán trên cả 2 loại máy quẹt thẻ NFC và MST, và đặc biệt phù hợp với hạ tầng thanh toán thẻ ở Việt Nam với 98% máy quẹt thẻ sử dụng công nghệ từ tính MST, do đó, không đòi hỏi các đơn vị chấp nhận thẻ phải thay đổi thiết bị đọc thẻ hay phải trang bị thêm bất cứ phương tiện hay công cụ gì.
Ông Thomas Ko - Phó Tổng Giám đốc Samsung toàn cầu
Trong khuôn khổ diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam tổ chức vào ngày 6/11 vừa qua, ông Thomas Ko, Phó Tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung toàn cầu chia sẻ câu chuyện “ăn phở bằng điện thoại như sau: trước khi sang Việt Nam ông có nói với con gái và cô bé hỏi nếu sang Việt Nam bố sẽ ăn phở chứ? Ông nói chắc chắn sẽ như vậy. Tuy nhiên, khi đi ăn phở sẽ phải mang ví, bởi phải thanh toán bằng tiền mặt. Nếu phải cầm cả ví, cả điện thoại thì sẽ rất bất tiện. Ông muốn ăn phở chỉ cần dùng điện thoại mà thôi.
Có lẽ tương lai không xa, chúng ta đi ăn phở chỉ mang theo một chiếc điện thoại không còn là điều viễn tưởng.
Nguồn: Trí Thức Trẻ