chia sẻ:

Doanh nghiệp Lữ hành đang xoay xở thế nào với Covid-19?

Cập nhật 30.09.2021 | Blog

Sau những “cú đấm bồi’ không báo trước của COVID-19, các Doanh nghiệp Du lịch - Lữ hành đã có kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó với các tình huống phát sinh, linh hoạt tiếp cận và chủ động ứng dụng nhiều giải pháp nhằm tăng sức kháng cự, mở ra hướng đi mới bền vững.
Các doanh nghiệp Lữ hành xoay xở thế nào với Covid-19?

COVID-19 tiếp tục "giáng đòn" vào kỳ vọng phục hồi của Lữ hành

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, năm 2020 là khoảng thời gian khó khăn đối với ngành du lịch Việt Nam với lượt khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78% và khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm hơn 34% so với năm trước.

Tuy nhiên, bối cảnh thị trường năm 2021 cũng không khả quan hơn khi  CoVid-19 tiếp tục “giáng đòn” vào kỳ vọng phục hồi của Ngành Du lịch với 2 đợt bùng dịch. Đặc biệt, đợt dịch hồi tháng 7 vừa qua đã gây nên nhiều tổn thất nghiêm trọng khi cả hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện chỉ thị giãn cách trong khoảng thời gian khá dài. 

Covid-19 tiếp tục

Hình ảnh: khách du lịch thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám (nguồn internet)

 

Theo thống kê, từ đầu năm đến tháng 6/2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch nội địa ước đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước diễn biến khó lường của CoVid-19, mọi dự báo về ngành Du lịch trong năm 2021 vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, 3 tháng cuối năm là giai đoạn quan trọng để tập trung phát triển sản phẩm, thiết lập và chuẩn hóa quy trình vận hành, xây dựng kịch bản tiếp thị và kinh doanh để đảm bảo kế hoạch phục hồi ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường du lịch nội địa ấm lại.

Doanh nghiệp lữ hành xoay xở thế nào khi tiếp tục phải “sống chung với lũ”?

Thực hiện các biện pháp liên quan tới lao động

Giải pháp dù không mong muốn nhưng nhiều doanh nghiệp Lữ hành đã buộc phải triển khai ngay từ đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Theo đó, số lượng lao động bị cắt giảm triệt để, các chính sách liên quan tới thời gian làm việc hay quyền lợi của người lao động cũng được điều chỉnh nhằm tối ưu hóa mọi nguồn chi của doanh nghiệp. 

Điều này là phù hợp với bối cảnh chung của xã hội khi chính phủ và nhân dân đang tích cực thực hiện chủ trương phòng chống dịch bệnh, giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên trong trạng thái mới với mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế thì nhóm biện pháp này không được đánh giá là hiệu quả nữa. Số lượng công việc, yêu cầu cần xử lý ngày càng gia tăng trong khi số lượng và chất lượng lao động không đáp ứng hay thời gian làm việc hạn chế là một trong những cản trở để Doanh nghiệp bắt kịp lại với thị trường. 

Nắm bắt được điều này, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tối ưu về mặt con người như tuyển dụng thêm nhân sự chất lượng, đào tạo nội bộ để nâng cao năng lực… Sẵn sàng cho hoạt động tái định vị doanh nghiệp dù đang trong giai đoạn đầy khó khăn hiện nay.

Tìm kiếm thị trường và nguồn thu thay thế

Thị trường nội địa vẫn là cứu cánh cho du lịch Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh ngành du lịch chưa thể đón khách quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, phòng chống dịch bệnh nhưng phải nghĩ tới thay đổi động lực phát triển của ngành du lịch. “Không phải phụ thuộc, chờ đợi vào khách quốc tế mà phải xác định du lịch nội địa là động lực, là cứu cánh để phát triển du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn “Du lịch nội địa- Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới”

Mức chi tiêu của thị trường nội địa không cao, số ngày lưu trú không dài tuy nhiên nếu có chiến lược sản phẩm phù hợp với từng phân khúc và đối tượng cụ thể thì hiệu quả kinh tế khai thác từ thị trường này có thể còn cao hơn cả thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc phát triển thị trường sở hữu 100 triệu dân sẽ tác động lan tỏa đến sự phát triển của  các ngành kinh tế liên quan như giao thông vận tải, thương mại, nông nghiệp,... Hoàn toàn có khả năng áp đảo thị tường quốc tế.

Kích cầu

Nỗ lực rất đáng ghi nhận của các doanh nghiệp lữ hành là sự tích cực chuẩn bị về tour, tuyến, điểm… chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới của du khách sau Covid. “Điểm đến gần, đi nhóm nhỏ, giá thấp” là sản phẩm chủ đạo các đơn vị lữ hành sẵn sàng “bung ra” hưởng ứng 2 chương trình kích cầu du lịch của ngành Du lịch, với kỳ vọng tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy du lịch phục hồi…

Song song với việc phát triển các gói dịch vụ hấp dẫn, phù hợp với khách du lịch nội địa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh cần chú trọng và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thêm vào đó, Bộ cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiến hành Chuyển đổi số; đề xuất miễn, giảm thuế đối với các khoản chi phí kích cầu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Ứng dụng công nghệ Du lịch

Việc sử dụng công nghệ số trong du lịch đã được Việt Nam thực hiện từ nhiều năm qua. Dịch Covid-19 đã làm quá trình Chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn bao giờ hết.

Có thể nói, những biến động về kinh tế - xã hội do tác động của Covid-19 đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới tài chính của mọi doanh nghiệp du lịch. Xu hướng cắt giảm mọi chi phí là một trong những nỗ lực của doanh nghiệp để đảm bảo duy trì hoạt động tuy nhiên, mối quan tâm về công nghệ và về những giá trị bền vững của việc ứng dụng công nghệ mang lại đã nhanh chóng khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyết tâm đầu tư. 

Ưu tiên giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp

Một số giải pháp công nghệ được quan tâm hàng đầu là quản trị quy trình vận hành, quản lý công việc, quản trị quan hệ khách hàng (CRM), website du lịch, email marketing, dịch vụ công nghệ (Facebook Ads, Google Ads, SEO, SEM…)

Giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp du lịch

 

Trong đó, nhiều doanh nghiệp dần tiếp cận với những giải pháp mang tính toàn diện hơn, sẵn sàng đầu tư và ứng dụng để cải cách quy trình vận hành nội bộ. Khi mà nhà quản lý cần nắm bắt mọi hoạt động của doanh nghiệp và số lượng lao động không đáp ứng được nhanh chóng lượng yêu cầu khổng lồ từ khách hàng, đây là giải pháp tuyệt vời thỏa mãn cả 2 yếu tố: tính chuyên nghiệp, quản lý thông minh của doanh nghiệp và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc HanoiTourist cho biết, trong thời gian hoạt động kinh doanh tạm ngưng, chúng tôi vẫn tích cực phối hợp triển khai các kế hoạch sẵn sàng cho lần khởi động du lịch trở lại. Tổng Công ty đang nghiên cứu và triển khai phần mềm chuyên dụng trong công tác quản trị và vận hành công ty. Trước đó, công ty đã thử nghiệm một số sản phẩm song chưa đáp ứng được hết yêu cầu về nghiệp vụ vận hành. Cũng như rất nhiều doanh nghiệp lữ hành khác, HanoiTourist đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu để tối ưu hóa hoạt động, sẵn sàng cho những bước tiến dài hơn trong tương lai.

Sẵn sàng thay đổi nhận diện để mang đến trải nghiệm tốt hơn

Mới đây, trang web mới của Công ty TNHH du lịch Khám phá Đông Dương (Asianventure Tours) đã chính thức thay đổi nhận diện để cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Asianventure Tours là Công ty du lịch tại Hà Nội, chuyên cung cấp các chuyến du lịch cho du khách cá nhân đến thăm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Bên cạnh những dịch vụ và ưu đãi tuyệt vời về tour, về khách sạn hay thuê xe ô tô, họ còn chia sẻ nhiều thông tin hướng dẫn hữu ích của mỗi địa phương, mỗi điểm đến, mỗi quốc gia. 

Trước đó, Asianventure Tours đã xây dựng website du lịch để tập trung phát triển thương hiệu từ những năm 2015 và đã đạt được những thành công nhất định khi lưu lượng truy cập được duy trì ở mức ổn định với hàng loạt từ khóa thuộc Top.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi mà bối cảnh thị trường thay đổi, tâm lý khách hàng thay đổi, xu hướng thiết kế và những tiêu chí về mặt thẩm mỹ cũng thay đổi. Công ty đã quyết định thay đổi nhận diện của doanh nghiệp trên môi trường internet.

Tiệm cận Chuyển đổi số

Nhận thấy những giá trị mà Chuyển đổi số đem lại, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp với doanh nghiệp của mình như tham gia các buổi tọa đàm được tổ chức bởi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, khóa học Chuyển đổi số hay ứng dụng phần mềm số hóa để cải tiến quy trình vận hành của doanh nghiệp,...

Tuy nhiên, Chuyển đổi số không phải hành trình dễ dàng; việc lựa chọn những ứng dụng, phần mềm số hóa cũng cần được cân nhắc kỹ càng. Bước đầu tiệm cận Chuyển đổi số, các lãnh đạo của doanh nghiệp phải là người thấm nhuần giá trị, quy cách vận hành trước khi ứng dụng Chuyển đổi số, từ đó mới có thể xây dựng kế hoạch, hướng đi mới cho doanh nghiệp lữ hành. 

Lớp học Chuyển đổi số Doanh nghiệp Du lịch - Lữ hành DX100 do VietISO phối hợp cùng CLB Lữ hành Unesco Hà Nội tổ chức.”
Hình ảnh: Lớp học Chuyển đổi số do VietISO tổ chức

Ông Nguyễn Quyết Tâm – CEO Công ty VietISO, Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số Du lịch nhận định: "Chắc chắn du lịch sẽ trở lại mạnh mẽ và doanh nghiệp phải chuẩn bị cho điều này. Ngay bây giờ, các công ty lữ hành phải kết nối với khách hàng, xây dựng dữ liệu thị trường bằng sự hỗ trợ của công nghệ. Khách hàng giống như 'trái tim' của doanh nghiệp, vậy nên không thể chờ đến khi thị trường phục hồi trở lại mới bắt đầu tìm kiếm khách, mới bắt đầu tối ưu vận hành."

Dư chấn của Covid-19 được nhận định vẫn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Song, sự sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành, ta hoàn toàn có niềm tin vào sự trở lại mạnh mẽ của thị trường “hậu” CoVid.

Phương Thảo