chia sẻ:

Doanh nghiệp du lịch là gì? Các loại hình kinh doanh du lịch hiện nay

Cập nhật 04.05.2024 | Kiến thức

Doanh nghiệp du lịch là một trong những trụ cột của Ngành Du lịch, có vai trò và đóng góp trực tiếp vào hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển du lịch quốc gia. Vậy doanh nghiệp du lịch là gì? Vai trò, đặc điểm chính và những loại hình kinh doanh du lịch phổ biến hiện nay ra sao? Bài viết này sẽ cung cấp nội dung chi tiết dành cho bạn!

Doanh nghiệp du lịch là gì? Các loại hình kinh doanh du lịch hiện nay

1. Doanh nghiệp du lịch là gì?

Doanh nghiệp du lịch là một tổ chức có tên riêng, có trụ sở giao dịch, được cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp du lịch cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách du lịch, bao gồm: Dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ khác.

Doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Ngành Du lịch của một quốc gia. Cụ thể:

  • Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch: Với sự đa dạng về số lượng doanh nghiệp du lịch và các mô hình kinh doanh khác nhau, sản phẩm du lịch có thể trở nên phong phú và đa dạng hơn, tạo ra nhiều cơ hội mới cho du khách khám phá và trải nghiệm.
  • Quảng bá du lịch: Doanh nghiệp du lịch thường đầu tư vào các chiến lược quảng bá để tăng cường nhận thức và thu hút khách du lịch quan tâm đến sản phẩm cũng như điểm đến du lịch. Bằng cách này, họ giúp thu hút khách du lịch từ các quốc gia khác, đóng góp vào việc tăng trưởng doanh thu cho Ngành Du lịch và kinh tế nói chung.
  • Tạo ra thu nhập và việc làm: Doanh nghiệp du lịch tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương bằng cách cung cấp các công việc liên quan đến dịch vụ du lịch. Điều này có thể góp phần tạo ra nguồn thu nhập ổn định và cải thiện mức sống cho họ.
  • Phát triển kinh tế địa phương: Doanh nghiệp du lịch thường đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương bằng cách thu hút du khách, tăng cường doanh thu cho các doanh nghiệp địa phương và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh liên quan như dịch vụ ẩm thực, mua sắm, vận chuyển.
  • Bảo tồn văn hóa và di sản: Bằng cách giới thiệu di sản và văn hóa địa phương thông qua các trải nghiệm du lịch, doanh nghiệp du lịch có thể giúp du khách hiểu rõ hơn về những nét văn hóa đặc trưng của địa phương, duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó góp phần vào sự bền vững của cộng đồng địa phương và ngành du lịch.

2. Các loại hình kinh doanh du lịch hiện nay

2.1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành

Hoạt động chính của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành là xây dựng, bán và tổ chức các chương trình du lịch trọn gói cho khách du lịch. Họ cũng có thể hoạt động như đại lý du lịch, bán các sản phẩm của các nhà cung cấp khác như vé máy bay, vé tham quan, hoặc dịch vụ ăn uống,... hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh tổng hợp khác để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của khách du lịch trong quá trình đi tour.

>> Xem thêm: Công ty Du lịch - Lữ hành là gì?

Kinh-doanh-lu-hanh

Theo quy định của pháp luật, phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định cụ thể như sau:

  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phục vụ khách du lịch nội địa.
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế có thể cung cấp cả dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ du khách quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch đang ngày càng hấp dẫn bởi nhu cầu du lịch tăng cao, sự phát triển kinh tế xã hội và sự tăng trưởng của thu nhập cá nhân. Mặc dù sự đột phá của công nghệ hiện nay có thể giúp cho khách du lịch chủ động tổ chức hành trình du lịch từ a tới z song các công ty lữ hành ứng biến linh hoạt với thời cuộc vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển.

2.2. Kinh doanh dịch vụ vận chuyển du lịch

Kinh doanh dịch vụ vận chuyển du lịch là hoạt động cung cấp các dịch vụ vận tải đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của du khách trong quá trình du lịch, bao gồm: vận chuyển hàng không, vận chuyển đường sắt, đường biển, vận chuyển đường thủy nội địa, vận chuyển đường bộ.

kinh-doanh-dich-vu-van-chuyen-du-lich

Vận chuyển hàng không: Hình thức vận chuyển hàng không đang ngày càng trở lên phổ biến bởi tốc độ di chuyển nhanh, đảm bảo an toàn, thoải mái. Trong những năm qua, ngành vận chuyển hàng không Việt Nam rất sôi động với nhiều hãng hàng không nổi tiếng như: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, jetstar Pacific Airlines,…

Vận chuyển đường sắt: Vận chuyển đường sắt đang có vị trí quan trọng trong việc phát triển du lịch do có nhiều lợi thế như mức chi phí thấp, có thể thỏa mãn nhu cầu ngắm cảnh dọc đường của du khách, ít gây ô nhiễm và dễ dàng kiểm soát an ninh. Hình thức vận chuyển này thường phù hợp với du lịch đại chúng vì có khả năng vận chuyển với số lượng hành khách lớn.

Vận chuyển đường biển: Vận chuyển khách du lịch đường biển là hoạt động vận tải chuyên chở khách đi lại giữa các điểm đến trên biển. Loại hình vận chuyển này thường được sử dụng ở các khu vực du lịch như các đảo quốc, bãi biển đẹp, và các điểm tham quan biển khác. Phương tiện vận chuyển khách đường biển có thể là các tàu du lịch, du thuyền, tàu cao tốc, hoặc tàu thuỷ lớn hơn được thiết kế để phục vụ mục đích du lịch.

Vận chuyển đường thủy nội địa: Đây là loại hình vận chuyển khách du lịch trên các tuyến đường thủy như sông, kênh rạch, hồ, ven vịnh, ven bờ biển,... mang lại trải nghiệm độc đáo và thú vị cho du khách. Các phương tiện vận chuyển đường thủy nội địa có thể là các thuyền, tàu nhỏ, du thuyền,...

Vận chuyển đường bộ: Vận chuyển đường bộ là loại hình phổ biến nhất trong ngành du lịch, bao gồm các phương tiện: xe đạp, ô tô, mô tô, xe bus… Ngoài dịch vụ chở khách, các doanh nghiệp du lịch kinh doanh loại hình này có thể cung cấp dịch vụ cho thuê xe để du khách tự điều khiển, đây là hoạt động mang lại lợi nhuận khá cao. Để kinh doanh dịch vụ vận chuyển du lịch, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và yêu cầu của pháp luật về kinh doanh vận tải, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện của người điều khiển phương tiện vận chuyển, trang thiết bị trên từng loại phương tiện, gắn biển hiệu vận tải ở nơi dễ nhận biết và mua bảo hiểm cho khách du lịch.

2.3. Kinh doanh dịch vụ lưu trú

Dịch vụ lưu trú là loại dịch vụ đáp ứng chỗ ở, nghỉ ngơi của du khách khi đặt chân đến địa điểm tham quan. Các loại hình cơ sở lưu trú bao gồm:

Khách sạn: Khách sạn là cơ sở lưu trú đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch lưu trú, đáp ứng một số yêu cầu của khách về nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác.

Kinh-doanh-dich-vu-luu-tru

Biệt thự du lịch: Cung cấp không gian lưu trú riêng tư và sang trọng cho du khách, thường được thiết kế theo phong cách đặc trưng và có các tiện ích cao cấp như phòng khách, phòng ngủ, bếp, bể bơi riêng, sân vườn phục vụ khách du lịch lưu trú.

Căn hộ du lịch: Là lựa chọn phổ biến cho các gia đình hoặc nhóm du khách, có đủ tiện nghi cần thiết, có trang bị bếp và dụng cụ nấu, ăn... để khách tự phục vụ trong thời gian lưu trú. Tàu thủy lưu trú du lịch: Cung cấp trải nghiệm lưu trú độc đáo trên biển hoặc sông, với các tiện ích và dịch vụ phục vụ khách hàng trên tàu như nhà hàng, bar và các hoạt động giải trí.

Nhà nghỉ du lịch: Nhà nghỉ là cơ sở lưu trú du lịch có trang thiết bị tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch như khách sạn nhưng không đạt tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn. Đây thường là cơ sở lưu trú được đa số khách du lịch có khả năng thanh toán trung bình lựa chọn cho chuyến đi của mình vì có mức giá rẻ.

Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: Cung cấp dịch vụ cho thuê phòng trọ hoặc phòng khách sạn trong các ngôi nhà dân dụng.

Bãi cắm trại du lịch: Cắm trại là khu vực được quy hoạch, nằm gần các khu du lịch nghỉ núi, nghỉ biển, nghỉ mát (gần sông, núi, biển, hồ...) với các trang thiết bị phục vụ khách du lịch đến cắm trại, nghỉ ngơi… hoặc khách có phương tiện vận chuyển (ô tô, xe máy… ) đến nghỉ.

Để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, các doanh nghiệp cần đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

2.4. Kinh doanh dịch vụ du lịch khác

2.4.1. Kinh doanh dịch vụ ăn uống

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu và cơ bản nhất của con người, chính vì vậy hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Một số loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể kể đến như kinh doanh nhà hàng, quán cafe, quán bar,... Những loại hình dịch vụ ăn uống này có thể tồn tại độc lập hoặc là một phần của các cơ sở lưu trú như khách sạn, resort, trên các phương tiện di chuyển như máy bay, du thuyền và tàu hỏa.

Hiện nay, du lịch ẩm thực hiện đang là một trong những xu hướng hàng đầu. Thưởng thức ẩm thực là sở thích của hàng triệu người, nó ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chuyến du lịch của du khách và đã trở thành một trong những lý do chính khi lựa chọn điểm đến của khách du lịch. Việc tận dụng những nét văn hóa đặc trưng trong ẩm thực địa phương có thể mang tới ý tưởng kinh doanh hiệu quả.

2.4.2. Kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí

Kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí là hoạt động thương mại cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhằm mục đích giải trí và mang lại sự vui vẻ, thoải mái cho du khách. Các loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí thường rất đa dạng và phong phú, bao gồm các cơ sở như: công viên giải trí, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, khu vui chơi trẻ em, sòng bạc và nhiều hình thức khác.

Kinh-doanh-dich-vu-giai-tri

Để đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp du lịch cần đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Đăng ký kinh doanh và tuân thủ mọi quy định pháp luật liên quan đến hoạt động vui chơi, giải trí.
  • Cần có nội quy rõ ràng và cung cấp các tiện nghi như nơi đón tiếp và gửi đồ dùng cá nhân cho khách du lịch.
  • Có cơ sở vật chất, dụng cụ và phương tiện phù hợp với từng loại dịch vụ vui chơi giải trí mà doanh nghiệp cung cấp.
  • Có người hướng dẫn, nhân viên phục vụ phù hợp với từng dịch vụ vui chơi, giải trí.

2.4.3. Kinh doanh dịch vụ mua sắm

Kinh doanh dịch vụ mua sắm trong lĩnh vực du lịch thường tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm lưu niệm, hàng thủ công, đặc sản địa phương và các loại hàng hóa du lịch khác để du khách có thể mua sắm và mang theo như là kỷ niệm của chuyến đi của họ.

  • Sản phẩm lưu niệm: Đây là những vật phẩm nhỏ, thường có hình ảnh hoặc logo của địa điểm du lịch, được du khách mua để làm kỷ niệm của chuyến đi của họ hoặc làm quà tặng cho người thân và bạn bè.
  • Hàng thủ công: Kinh doanh dịch vụ mua sắm trong lĩnh vực du lịch thường tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm thủ công, làm từ các nguyên liệu địa phương và mang nét văn hóa đặc trưng của địa điểm đó. Các sản phẩm này có thể bao gồm đồ gốm, đồ mỹ nghệ, đồ da, và các loại trang sức được làm thủ công.
  • Đặc sản địa phương: Đây là những sản phẩm thực phẩm hoặc thủ công mỹ nghệ độc đáo, được sản xuất hoặc làm thủ công tại địa phương. Các đặc sản địa phương thường được du khách mua về làm quà lưu niệm hoặc thưởng thức tại nhà.
  • Các loại hàng hóa du lịch khác: Ngoài các sản phẩm lưu niệm, hàng thủ công và đặc sản địa phương, kinh doanh dịch vụ mua sắm trong du lịch còn cung cấp các loại hàng hóa khác như quần áo, đồ điện tử, sách báo,...

Hoạt động này có nét tương đồng với mô hình kinh doanh bán lẻ tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở đối tượng mua là khách du lịch. Do đó, khi triển khai kinh doanh cần lưu ý về nhận diện, phong cách thương hiệu trong việc bày trí sản phẩm, quy trình bán hàng, quy trình thanh toán, sự đáp ứng về mặt giao tiếp ngôn ngữ,... Doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm mang tính chất vật lý mà còn bán nét đẹp về văn hóa, về ý nghĩa và giá trị bản sắc của sản phẩm.

2.4.4. Kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Việc đi du lịch không chỉ đơn thuần là để thư giãn mà còn được coi là một phương pháp hữu ích để phục hồi sức khỏe sau những thời gian làm việc căng thẳng. Nhiều người chọn du lịch không chỉ để khám phá văn hóa, địa điểm mới mẻ mà còn để thư giãn và chữa bệnh.

kinh-doanh-dich-vu-cham-soc-suc-khoe

Đáp ứng xu hướng này, các cơ sở kinh doanh du lịch đã phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng dựa trên tài nguyên du lịch sẵn có. Các dịch vụ như massage, spa, chữa bệnh bằng nước khoáng, chăm sóc bằng ngâm bùn, hay cả việc áp dụng chế độ ăn uống đã trở thành lựa chọn phổ biến của du khách.

Xu hướng này không chỉ đem lại lợi ích về sức khỏe cho du khách mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới đầy triển vọng trong Ngành Du lịch. Các cơ sở kinh doanh có thể tận dụng các tài nguyên tự nhiên và phát triển các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng hấp dẫn để thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

2.4.5. Kinh doanh dịch vụ thể thao

Kinh doanh dịch vụ thể thao cho khách du lịch là việc cung cấp các dịch vụ và trải nghiệm thể thao cho du khách khi họ đến một địa điểm du lịch. Loại hình này được xác định là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều quốc gia trên thế giới và đang là thị trường “ngách” giàu tiềm năng được nhiều địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác. Dưới đây là một số loại hình kinh doanh dịch vụ thể thao cho khách du lịch:

  • Tour du lịch thể thao: Cung cấp các tour du lịch được thiết kế đặc biệt để khám phá và tham gia vào các hoạt động thể thao như trekking, leo núi, lướt ván, lặn biển, câu cá, golf, bóng đá và nhiều hoạt động thể thao khác.
  • Cho thuê trang thiết bị thể thao: Cung cấp dịch vụ cho thuê trang thiết bị thể thao như xe đạp, thiết bị lặn, vợt tennis, gậy golf, hoặc các phương tiện vận chuyển đặc biệt để du khách có thể tham gia vào các hoạt động thể thao một cách dễ dàng.

2.4.6. Kinh doanh dịch vụ khác phục vụ khách du lịch

Ngoài việc kinh doanh các dịch vụ du lịch trên, các doanh nghiệp trong ngành du lịch còn có thể mở rộng ra và cung cấp các dịch vụ có liên quan khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch như: cung cấp dịch vụ chụp ảnh chuyên nghiệp tại địa điểm du lịch, dịch vụ thuê quần áo đặc trưng của địa phương để chụp ảnh,...

Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh các dịch vụ này, các doanh nghiệp cần chú ý đến việc tuân thủ quy định của pháp luật. Điều này bao gồm việc đảm bảo rằng các dịch vụ được cung cấp tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh và bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Hơn nữa, việc đảm bảo tính minh bạch và trung thực trong quảng cáo và tiếp thị cũng là một phần quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật.

Nếu bạn đang có ý định khởi nghiệp trong Ngành Du lịch, việc nắm vững thông tin về doanh nghiệp du lịch và các loại hình kinh doanh được quy định bởi pháp luật là vô cùng quan trọng. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại hình kinh doanh du lịch và giúp bạn tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định cho kế hoạch kinh doanh của mình.

>> Xem thêm: Những ý tưởng kinh doanh du lịch độc đáo giúp bạn trở nên khác biệt