chia sẻ:

Vì sao Silicon Valley vắng bóng phụ nữ?

24/06/2014 04:03 | Thông tin công nghệ

Candace Fleming đã “cầu cứu” tới 30 hãng đầu tư khác nhau nhưng đều thất bại. Nguyên nhân không phải vì dự án của chị kém khả thi mà đơn giản vì đó là một công ty do một phụ nữ lãnh đạo.

Fleming là một người rất có năng lực và kinh nghiệm với 2 tấm bằng của 2 trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ, một về chuyên ngành kỹ thuật của trường Stanford, một bằng MBA của trường đại học Harvard và đã từng giữ chức quản lý của hãng Hewlett-Packard hay từng là chủ tịch của một hãng phần mềm nhỏ… Nhưng khi Fleming đi tìm nhà đầu tư cho công ty Crimson Hexagon mà mình thành lập năm 2007, chị mới thấu hiểu thế nào là sự cay đắng của một người phụ nữ dấn thân vào lĩnh vực công nghệ.

Nhà đầu tư đầu tiên Felming tìm đến đã đưa cho chị xem chỉ là một tấm ảnh ông ta đang trong trang phục của… Adam kèm cái nháy mắt đầy ẩn ý. Nhà đầu tư thứ 3 đã dành hết thời gian để hỏi chị rằng liệu thú chơi xe đạp thể thao của chồng chị có ảnh hưởng gì đến “khả năng giường chiếu” hay không mà không cần biết kế hoạch kinh doanh của chị ra sao. Tất cả 30 hãng đầu tư mà Fleming tìm đến cuối cùng đều trả lời chị bằng những cái lắc đầu nhưng may sao, tháng 3/2008 chị cũng kiếm được khoản đầu tư trị giá 1,8 triệu USD từ Golden Seeds, một quỹ hỗ trợ dành cho những công ty mới thành lập do phụ nữ làm chủ.

“Mỗi khi nói đến chuyện đầu tư vào một hãng công nghệ của phụ nữ, tất cả đều rút lui một cách lặng lẽ”, người đàn bà mới 37 tuổi này nói.

 

Hầu hết đều thừa nhận đó là một sự bất thường của nước Mỹ bởi bấy lâu nay, Silicon Valley và những trung tâm công nghệ khác như New York, Austin, Texas, hay Boston… vẫn rất tự hào cho rằng họ là hình mẫu của sự “tôn trọng nhân tài” và luôn chào đón những ý tưởng mới lạ bất kể tác giả là ai, bao nhiêu tuổi, giới tính, hoàn cảnh sống hay trình độ học vấn đến đâu… Với phụ nữ, đó là những lời dối trá.

Hiện có khoảng 40% số doanh nghiệp tư nhân trên toàn nước Mỹ là do phụ nữ làm chủ nhưng chỉ có khoảng 8% số doanh nghiệp công nghệ mới thành lập được các quỹ đầu tư rót vốn. Càng đi sâu vào ngành công nghệ Mỹ, sự chênh lệch này ngày càng sâu sắc. Chỉ có khoảng 6% số lãnh đạo của 100 hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ là nữ giới và trong toàn ngành phần mềm, số lượng nhân viên nữ cũng chỉ chiếm khoảng 22%. Trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm vào công nghệ, khoảng 14% số hãng là của phụ nữ. “Dường như có một sự loại trừ vô hình đang diễn ra”, Aileen Lee, một đối tác của hãng đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufield & Byers nói.

Sự kỳ thị với nữ giới trong lĩnh vực công nghệ còn thể hiện rất rõ khi Apple ra mắt chiếc máy tính bảng iPad, gần như tất cả đều “ồ lên”, chế giễu rằng cái tên nó quá giống với tên của một sản phẩm vệ sinh dành cho phụ nữ và cho rằng đó là “thứ bỏ đi” vì chỉ thích hợp với nữ giới.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, việc đầu tư cho các hãng công nghệ do nữ giới làm chủ cũng chỉ được các nhà đầu tư xếp vào hàng thấp nhất. Tính trung bình, các hãng công nghệ mới của phụ nữ thành lập thường có số vốn thấp hơn so với bình thường tới 40%.

“Đã đến lúc Silicon Valley cần phải thay đổi và nhìn vào những ai có thể “tạo ra tiền” chứ không phải nhìn xem họ có mặc váy hay không”, Monica Morse, lãnh đạo của hãng tư vấn cho nữ doanh nhân Astia nói.

Nhưng Carol Bartz, bà Tổng giám đốc Yahoo lại có cái nhìn của một “người trong cuộc”: “Vấn đề là tại các ngành học về kỹ thuật, nữ sinh viên thường học kém hơn còn tại Silicon Valley, chưa có nhiều nữ doanh nhân thành công khiến người ta chưa thể tin tưởng chúng ta”.

Lê Trí